Năng suất lao động thấp, tăng trưởng công nghiệp Việt Nam "tụt lùi"?

ANTD.VN - Tốc độ tăng trưởng nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam đang chậm lại trong những năm gần đây. Thực trạng này được đưa ra tại thảo "Cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam 2017-2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững" diễn ra ngày 31-5.

Tăng trưởng ngành công nghiệp Việt Nam đang chậm lại

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị “bỏ xa” so với các nước phát triển và các nước trong khu vực.

Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2015 khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%.

Cụ thể, nếu so với Nhật Bản, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 39 lần; Singapore cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần và Trung Quốc cũng cao gấp 2 lần Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong công nghiệp đạt thấp. Tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP giảm từ 32% năm 2010 xuống còn khoảng 28% năm 2015. 

"Những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đang có xu hướng chậm lại, từ trung bình 14,3%/năm giai đoạn 2006-2010 giảm xuống 10%/năm giai đoạn 2011-2015 và giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp"- ông Cao Quốc Hưng cho hay. 

Hiện nay, mặc dù đang trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa nhưng Việt Nam đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo bình quân đầu người. Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại.

Vì vậy, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020” và trình Chính phủ trong tháng 6-2017.

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, dự thảo Kế hoạch này được xây dựng với mục tiêu đảm bảo thực hiện mục tiêu về cơ cấu lại các ngành công nghiệp đã được Quốc hội và Chính phủ đề ra;

Khơi thông, xử lý nhanh, có hiệu quả các điểm nghẽn trong phát triển các ngành công nghiệp; tập trung nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ mang tính trong tâm trọng điểm nhằm tạo ra những thay đổi thực chất để tạo ra tác động lan tỏa và dẫn dắt việc cơ cấu lại toàn ngành công nghiệp.