"Nâng" hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: Lo đủ lượng nhưng thiếu chất

ANTD.VN - Nếu dùng các biện pháp hành chính để tạo điều kiện cho hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp thì mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 rất dễ đạt được, nhưng khó tránh khỏi đội ngũ này sẽ “ốm yếu” do... thiếu chất. 

Không nên ép hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp bằng mọi cách

Thực trạng hộ kinh doanh “ngại” không chịu lớn thành doanh nghiệp đã được các chuyên gia chỉ ra. Để thay đổi điều này, nhiều ý kiến cho rằng có thể sử dụng mệnh lệnh hành chính. Tuy nhiên, đây rõ ràng chưa phải là giải pháp tối ưu.

Không nên ép buộc

Nước ta hiện có khoảng 4,75 triệu hộ kinh doanh, gấp gần 10 lần số doanh nghiệp đang hoạt động. Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã quy định, chỉ cần thường xuyên có 10 lao động, các hộ này có thể trở thành doanh nghiệp. Nếu thực hiện quy định này, chỉ một bộ phận hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp thì mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ trở nên đơn giản. Tuy nhiên, có nên “nâng đời” hộ kinh doanh thành doanh nghiệp bằng mọi cách hay không vẫn cần được tính toán kỹ lưỡng.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tiền lệ chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp rất ít, chỉ chiếm 18% trong tổng số doanh nghiệp mà cơ quan này vừa khảo sát. Hơn nữa, đa số hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp. Trong số 11% hộ kinh doanh được khảo sát có quy mô trên 10 lao động, chỉ có 5% dự định chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Luyến, Ban Thể chế (CIEM) cho biết, kết quả phỏng vấn sâu của CIEM cho thấy, để giảm sự chú ý của cơ quan chức năng, không ít hộ kinh doanh kê khai vốn kinh doanh và tài sản cố định thấp hơn nhiều so với giá trị thực. Hộ kinh doanh có nhiều lợi thế khi hồ sơ, thủ tục góp vốn, tham gia kinh doanh, thanh tra, kiểm tra đơn giản hơn. Đó là chưa kể chi phí để quản lý của các hộ này cũng thấp hơn doanh nghiệp. 

Đồng quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM cho rằng: “Trước thực trạng không lấy đâu ra doanh nghiệp để đủ mục tiêu, cơ quan quản lý đành nhìn xuống hộ kinh doanh, dùng mệnh lệnh hành chính yêu cầu họ chuyển lên doanh nghiệp. Nếu như vậy, chúng ta sẽ cố “khoác áo” doanh nghiệp cho hộ kinh doanh, chỉ đạt số lượng mà không có chất lượng”.

Theo ông Bùi Anh Tuấn -  Phó Cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các hộ kinh doanh sau khi chuyển thành doanh nghiệp rất có thể sẽ trở lại thành hộ kinh doanh như cũ nếu không thấy được lợi ích. Tuy vậy, ông đánh giá, các doanh nghiệp đi từ nền tảng hộ gia đình có khả năng thích ứng cao hơn so với doanh nghiệp mới thành lập sau khi họ đã trải qua nhiều khó khăn. 

Để hộ kinh doanh vui vẻ “trưởng thành”

Cho rằng hộ kinh doanh không chỉ đóng góp lớn cho nền kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, cung ứng hàng hóa cho người dân, ông Bùi Anh Tuấn nhận định, chỉ có hộ kinh doanh mới lưu giữ được các làng nghề truyền thống. “Vì vậy, việc khuyến khích chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp đều phải có sự tính toán rõ ràng về mặt lợi và hại cho chính các hộ này”- ông Bùi Anh Tuấn nói.

 Theo đại diện của CIEM, cần có chương trình khuyến khích để các hộ kinh doanh thực sự “vui vẻ” vươn lên thành doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi họ thành lập doanh nghiệp, họ cần được kế thừa những giấy phép đã có, kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, không buộc họ phải làm thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh của hộ rồi lại làm thủ tục thành lập doanh nghiệp xin lại giấy phép. Đồng thời, cần giảm bớt chế độ kế toán, thể chế hóa các cơ chế chính sách hỗ trợ hộ thành doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa mà các doanh nghiệp đi từ hộ này có thể tham gia.