Năm 2020: Việt Nam có thể đạt 2 triệu doanh nghiệp, nếu...

ANTĐ - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp hoàn toàn nằm trong tầm tay và đạt được trước năm 2020 nếu Việt Nam có môi trường kinh doanh tốt hơn. Liệu ước mơ này có trở thành hiện thực khi môi trường kinh doanh của Việt Nam còn cách xa Thái Lan khoảng 20 năm?

Năm 2020: Việt Nam có thể đạt 2 triệu doanh nghiệp, nếu... ảnh 1Tiếp sức để doanh nghiệp vừa và nhỏ  lớn mạnh

Hơn nửa số doanh nghiệp không có lãi

Dẫn số liệu thống kê trong khoảng 15 năm gần đây, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, kể từ ngày có Luật Doanh nghiệp, nước ta đã có 941.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập. Nhưng tính đến ngày 31-12-2015, cả nước còn có 513.000 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lý do khác nhau (45,5%).

Gần một nửa số doanh nghiệp đã thành lập buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng đáng chú ý, trong số 428.000 doanh nghiệp này, một nửa giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động trong khoảng 3 năm trở lại đây và xu hướng này vẫn tiếp tục gia tăng. 

“Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng cho thấy bức tranh không mấy lạc quan. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, có cải thiện so với những năm trước, song hơn một nửa (58%) doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn. Việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Mới đây, tại cuộc họp báo “Thái Lan - Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế cho sự thịnh vượng chung”, ông Sanan Angubolkul - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam đánh giá: “Môi trường đầu tư của Việt Nam chạy sau Thái Lan 20 năm”. Tuy nhiên, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan cho rằng vẫn chưa đến cơ hội của Việt Nam! 

Vậy khi nào mới đến cơ hội bứt phá của Việt Nam nếu chúng ta đang đi sau Thái Lan ngần ấy năm? 

2 triệu doanh nghiệp, ước mơ xa vời?

Theo Chủ tịch VCCI, để hướng đến mục tiêu nước ta có 1,5-2 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thì vừa phải bảo toàn lực lượng doanh nghiệp có tiềm năng cạnh tranh hiện hữu, vừa khuyến khích thúc đẩy phát triển thêm nhiều doanh nghiệp mới. 

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra đầu tháng 6-2016, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 đã là quá tham vọng, vậy mong muốn có gấp rưỡi, gấp đôi con số này, liệu có quá xa vời?

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Nước ta hiện có gần 5 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp, trong đó có gần 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Đó là lực lượng tiềm năng của đội ngũ doanh nghiệp trong tương lai gần. Nếu có chính sách khuyến khích họ chuyển sang mô hình tổ chức doanh nghiệp thì mục tiêu có được 1,5-2 triệu doanh nghiệp trước năm 2020 là trong tầm tay”.

Hơn thế, việc chuyển đổi này cũng mang đến “lợi đơn lợi kép” vì con đường chính thức hóa hoạt động kinh doanh là lối thoát cho các hộ kinh doanh trước sức ép của hội nhập. Nếu doanh nghiệp Việt Nam cứ nhỏ lẻ, “tiểu nông”, “tiểu công”, không minh bạch thì rất khó vươn tới chuẩn mực quốc tế, khó tạo ra năng suất, hiệu suất cao và khó trụ vững trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt. “Chính sách hỗ trợ chuyển dịch hộ kinh doanh thành doanh nghiệp như một mũi tên có thể trúng cả hai đích”, Chủ tịch VCCI gợi ý.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, không thể chậm trễ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Có 2 việc cần làm ngay để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thứ nhất là cần có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho doanh nghiệp. Thứ hai là chi phí vốn.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải vay ngân hàng với lãi suất bình quân khoảng 8,5%/năm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Lãi suất hợp lý sẽ thúc đẩy chuyển hướng nguồn vốn cho vay của các ngân hàng vào khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng khu vực sản xuất, thay vì tập trung quá nhiều vào các doanh nghiệp lớn và khu vực kinh doanh bất động sản như hiện nay. Thêm vào đó, cần cắt giảm các khoản thuế, phí chưa hợp lý, bởi khoản chi này hiện chiếm 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp là quá cao, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Lê Vĩnh Sơn - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam đánh giá, doanh nghiệp tư nhân đang được đối xử bình đẳng hơn với các thành phần doanh nghiệp khác. Việc Thủ tướng quyết liệt trong việc loại bỏ “giấy phép con”, xử lý người đứng đầu các cơ quan, đơn vị khi ra quyết định sai đã tạo ra động lực mới doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc kiên trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, quyết định gia hạn gói hỗ trợ 30.000 nghìn tỷ là những tín hiệu lạc quan, thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.