Loay hoay thu thuế Google, Facebook, Agoda…

ANTD.VN - Có doanh thu khủng tại thị trường Việt Nam nhưng các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google, Booking.com, Agoda… lại không phải đóng thuế cho Nhà nước Việt Nam. 

Việc thu thuế đối với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đang làm đau đầu cơ quan quản lý thuế

Doanh thu khủng nhưng luôn có đủ chiêu “né” thuế

Những năm gần đây, nhiều trang web đặt phòng trực tuyến của nước ngoài như Agoda.com, Booking.com, Hotels.com… hoạt động ngày càng mạnh mẽ ở Việt Nam. Theo đó, khi có khách đặt phòng thông qua các website này, các khách sạn phải chi trả cho những trang web khoảng từ 10-25% giá phòng. Theo các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, số lượng đặt phòng tại các website này là rất lớn, doanh thu của họ tại thị trường Việt Nam có thể lên đến cả nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên họ lại không phải nộp bất kỳ khoản thuế nào cho cơ quan quản lý thuế Việt Nam.

Mới đây, Bộ Tài chính đã yêu cầu các trang kinh doanh đặt phòng trực tuyến của nước ngoài trên phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỉ lệ trực tiếp trên doanh thu được hưởng, với tỉ lệ 5% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối tác Việt Nam ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài phải khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài. Nếu khách trả tiền trực tiếp cho cơ sở lưu trú ở Việt Nam, cơ sở lưu trú sẽ phải khai, nộp thuế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy thu được thuế từ những đơn vị kinh doanh tại nước ngoài này không hề đơn giản. Khi cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước phải khấu trừ thuế nhà thầu thì phía các website trên không đồng ý, chẳng hạn như Booking.com cho rằng họ được miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Hà Lan. Vì vậy, nếu đóng thuế thì doanh nghiệp Việt Nam buộc phải bỏ tiền túi ra để nộp thay cho Booking.vn.

“Bất cứ hoạt động kinh doanh nào khi phát sinh lãi đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thuế. Đối với những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như  Facebook, Google, Agoda hay Booking… về nguyên tắc, dù họ không có văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng nếu có phát sinh doanh thu tại Việt Nam thì đương nhiên phải có nghĩa vụ kê khai thuế”

Bà Nguyễn Thị Cúc (Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam)

Tương tự, với Google, Facebook, 2 đơn vị này cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến với doanh thu “khủng” tại thị trường Việt Nam nhưng Nhà nước cũng không thu được thuế. Mới đây, Cục Thuế TP.HCM đã tiến hành xác định doanh thu quảng cáo phát sinh của 2 đơn vị Google và Facebook tại Việt Nam được thanh toán thông qua 1 ngân hàng.

Theo đó, năm 2016, chỉ tính riêng tại  ngân hàng này, đã có hơn 15.000 người mua dịch vụ của Google với gần 248.400 giao dịch, tổng số tiền thanh toán là 222,4 tỷ đồng. Với Facebook cũng có hơn 15.600 người với 175.400 giao dịch, tổng số tiền 450,4 tỷ đồng. Các cá nhân, tổ chức trong nước thanh toán cho 2 đơn vị này thông qua thẻ tín dụng quốc tế và không thực hiện khấu trừ thuế nhà thầu theo quy định. 

Theo cơ quan chức năng, hiện Google và Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua 2 phương thức: Một là qua các đại lý tại Việt Nam, với trường hợp này, các doanh nghiệp trên sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu.

Phương thức thứ hai là mua bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Trường hợp trên theo đại diện Bộ Tài chính chưa được quy định rõ nên có thể bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của một dịch vụ khác. Như vậy, khi thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan chức năng cũng sẽ khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.

Mặt khác, với việc thanh toán dựa vào số lần nhấn (click)trả tiền thì việc xác định doanh thu quảng cáo của nhà mạng nước ngoài không dễ dàng vì phải đối chiếu thông tin giữa 2 ngân hàng (của người mua/người bán) trong khi ngân hàng của công ty mạng ở nước ngoài.

Lấp lỗ hổng về luật, không để thất thu ngân sách

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, bất cứ hoạt động kinh doanh nào khi phát sinh lãi đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thuế. Đối với những nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google, Agoda hay Booking… về nguyên tắc, dù họ không có văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng nếu có phát sinh doanh thu tại Việt Nam thì đương nhiên phải có nghĩa vụ kê khai thuế. Quy định này đã được cụ thể hóa tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.

Chẳng hạn, đối với các dịch vụ đặt phòng trực tuyến, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, theo quy định, khi phát sinh hoạt động đặt phòng trực tuyến, phía khách sạn sẽ phải xuất hóa đơn trong đó sẽ gồm cả tiền phòng khách sạn và phí hoa hồng môi giới cho các đơn vị kinh doanh đặt phòng trực tuyến. 

“Phía khách sạn phải có trách nhiệm kê khai khấu trừ và nộp thuế nhà thầu cho các đơn vị này. Nếu cả phía khách sạn và đơn vị kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến của nước ngoài đều không thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế thì đây là hành động vi phạm pháp luật về thuế, sẽ bị truy thu và bị phạt, đồng thời không được hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp của các cơ sở đó”, bà Nguyễn Thị Cúc nói.

Quy định là vậy nhưng thực tế, các quy định về quản lý thuế tại Việt Nam đang còn nhiều lỗ hổng, chưa bao quát được các dịch vụ này. Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, để quản lý việc thu thuế đối với loại hình kinh doanh này tại Việt Nam, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và đang xin ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi.

Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa (thông qua Công ty cổ phần thanh toán quốc gia - Trung tâm Napas của Ngân hàng Nhà nước). Từ đó, cơ quan thuế mới kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế.

Cùng với đó, các công ty vận hành mạng nước ngoài tại Việt Nam cần thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện chính thức để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam. Bộ Thông tin - truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị nhà cung cấp nước ngoài khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Ông Lưu Đức Huy cũng cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế cũng sẽ phối hợp và trao đổi cung cấp thông tin với cơ quan thuế các nước, với các công ty cung cấp dịch vụ Internet (VDC, FPT, Mobifone, Vinaphone, Viettel…) để nắm bắt được về số lượng và giá trị giao dịch thông qua các trang web này.

“Với những trường hợp đơn vị kinh doanh của nước ngoài có phát sinh doanh thu lớn tại Việt Nam, cơ quan thuế của Việt Nam sẽ làm việc trực tiếp với cơ quan thuế của nước chủ quản để cùng phối hợp vừa tìm ra cách quản lý thuế hiệu quả nhất vừa tránh không vi phạm các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã ký kết với các nước”, ông Lưu Đức Huy nói.