Lo tiền chảy chỗ trũng

ANTD.VN - Điều kiện để kiểm soát tỷ giá trong nước vẫn diễn ra khá thuận lợi khi trên thị trường thế giới đồng USD tiếp tục mất giá. 

Đồng USD xuống thấp khiến giá vàng thế giới tăng khoảng 2,34%, song giá vàng trong nước chỉ tăng nhẹ. Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, nhanh nhạy điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm. Đây được coi là một động thái hết sức kịp thời nhằm chặn trước kỳ vọng tăng tỷ giá đã “nhen nhóm” sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá mua vào USD.

Tỷ giá ổn định là một yếu tố sống còn để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiên định theo đuổi chính sách lãi suất USD bằng 0%. Khi tỷ giá ổn định và lãi suất VND khá cao từ 6-7%, thì việc nắm giữ VND đương nhiên vẫn có lợi. Tuy vậy, một số chuyên gia ngân hàng “hiến kế” NHNN nên tính tới phương án huy động ngoại tệ để cấp tín dụng lãi suất thấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu, một trong những động lực lớn góp phần tăng trưởng GDP.

Việc NHNN vừa công bố giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành và giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, khiến cộng đồng doanh nghiệp hào hứng, phấn khởi, hứa hẹn mở ra cơ hội làm ăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đang “đói vốn” ngắn hạn. Dẫu vậy, việc giảm lãi suất chỉ áp dụng với các khoản tín dụng ký mới và chỉ giảm cho 5 lĩnh vực ưu tiên.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lại khao khát ngân hàng “mở cửa” để có thể tiếp cận vốn cho vay trung dài hạn. Bởi chỉ cần giảm lãi suất 1% thì doanh nghiệp sẽ giảm 0,27% vào giá thành. Trả lời câu hỏi vì sao chỉ có 4 ngân hàng quốc doanh giảm lãi suất “nhỏ giọt” 0,25% và 0,5%, trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn “án binh bất động”, lãnh đạo một số ngân hàng thừa nhận rằng, để giảm lãi suất cho vay họ sẽ phải cắt giảm “miếng bánh” lợi nhuận.

Thực tế cho thấy, chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra của các ngân hàng Việt Nam sau khi trừ đi các chi phí và trích lập dự phòng rủi ro là khoảng 2%. Còn ở các nước trong khu vực là 3-4%, như vậy nếu “chiều” theo doanh nghiệp, ngân hàng sẽ không chịu nổi.

Việc giảm lãi suất của NHNN không chỉ là một thông điệp mà còn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nắn dòng tín dụng đi đúng hướng, đúng ngành, không khuyến khích đổ vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản. Nếu NHNN không chắc tay lái thì dòng tiền sẽ chảy đến chỗ lãi suất cao, tức là tiền vẫn chảy chỗ trũng, không lưu thông ra thị trường, doanh nghiệp vẫn “đói vốn” dài.