Kinh doanh qua Facebook phải đăng ký?

ANTD.VN - Tổng cục Thuế đang trình Bộ Tài chính xin ý kiến các Bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung quy định nếu kinh doanh qua Facebook phải đăng ký.

Không đăng ký kinh doanh, không cửa hàng, thậm chí không có địa chỉ giao dịch cụ thể là tình trạng phổ biến đối với hoạt động kinh doanh trên mạng Internet, trong đó có bán hàng qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo. Đây chính là nguyên nhân chính khiến việc thu thuế bán hàng qua mạng Internet tại Việt Nam dù được cho là cần thiết nhưng lại khó như mò kim đáy bể.

Tù mù, khó thu thuế

Có hệ thống 3 shop thời trang tại Hà Nội nhưng cách đây 2 năm, nhận thấy việc bán hàng qua mạng xã hội mang lại hiệu quả cao, chị Nguyễn Lan Chi đã trả mặt bằng, chỉ để lại 1 địa chỉ làm nơi giao dịch, còn lại hoạt động kinh doanh chính của chị diễn ra trên Facebook và Zalo. Chị Nguyễn Lan Chi cho biết, việc kinh doanh qua mạng xã hội có nhiều thuận lợi và đem lại hiệu quả cao hơn so với bán hàng thông thường.

Trước đây, riêng việc thuê mặt bằng, nhân viên, các chi phí cho điện chiếu sáng, điều hòa... mỗi tháng chị tốn cả 70-80 triệu đồng. Trong khi đó, việc đẩy mạnh bán hàng qua mạng xã hội không chỉ giúp chị giảm khoảng một nửa chi phí này mà còn tìm thêm được nhiều khách hàng, đặc biệt là các mối đổ buôn tại các tỉnh, thành phố khác. “Ngoài ra, bán hàng qua mạng cũng ít bị các cơ quan chức năng như thuế, quản lý thị trường để ý hơn”, chị Nguyễn Lan Chi nói.  

Cũng giống như chị Nguyễn Lan Chi, mạng Internet đang trở thành kênh bán hàng quan trọng với nhiều người, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà bất cứ ai cũng có thể kinh doanh được, từ chị em nhân viên công sở đến sinh viên, bà nội chợ. Không cần website, không cần đăng ký tại các sàn giao dịch điện tử, không cần đăng ký với bất kỳ cơ quan chức năng nào nhưng người bán hàng vẫn có thể rao bán tất cả các mặt hàng thượng vàng, hạ cám.

Dù vậy, hiện nay việc thu thuế bán hàng qua mạng mới chỉ dừng lại ở các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc thu từ các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh và có hạch toán doanh số bán hàng qua mạng xã hội vào doanh số chung. Trong khi số còn lại chiếm tỷ lệ không hề nhỏ là những người bán hàng trên mạng không đăng ký kinh doanh, không giao dịch qua sàn thương mại điện tử, không cửa hàng, thậm chí không có địa chỉ giao dịch...

Vì vậy, theo các chuyên gia, điểm cốt yếu để giải quyết bài toán thu thuế bán hàng qua mạng xã hội là phải minh bạch thông tin. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng thực ra mạng xã hội chỉ là một kênh đóng vai trò trung gian cung cấp thông tin trong bán hàng chứ không phải một sàn giao dịch điện tử hay website thương mại điện tử. Vì vậy, nếu đặt vấn đề thu thuế bán hàng qua mạng xã hội là đang có sự nhầm lẫn.

“Về nguyên tắc, theo quy định của Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh, dù bất kỳ hình thức nào thì cũng thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước trên thế giới, Tổng cục Thuế đang có đề án trình Bộ Tài chính hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý thuế đối với đối tượng này”.

Ông Nguyễn Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế

“Hoạt động kinh doanh hiện nay chỉ có 2 hình thức là trực tiếp và qua thương mại điện tử. Trong đó, bán hàng qua mạng xã hội thực ra là tận dụng công nghệ trong trao đổi, tiếp nhận thông tin, quảng cáo chứ không phải hình thức thương mại điện tử. Chẳng hạn trước đây, người ta bán hàng trực tiếp, bán hàng qua điện thoại, qua Email thì bây giờ có thêm Facebook, Zalo... Vì vậy, vấn đề ở đây không phải thu thuế với hình thức bán hàng nào mà là phải theo dõi, đôn đốc, quản lý thế nào để những người kinh doanh phải kê khai nộp thuế. Cái gốc của kinh doanh là phải có đăng ký kinh doanh, có địa chỉ, mã số thuế thì mới quản lý được” - luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trên nguyên tắc tất cả những thu nhập chịu thuế đều phải chịu thuế, không phân biệt bán ở cửa hàng hay trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Vấn đề đặt ra là làm sao thu thuế được của những người bán hàng nhỏ lẻ trên mạng xã hội khi họ không có cửa hàng cửa hiệu, không có mã số thuế..., chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ kinh nghiệm ở các nước khác: “Ở Mỹ áp dụng nguyên tắc tất cả mọi cá nhân đều phải kê khai thuế và thu nhập của một người đến ngưỡng nộp thuế thì đều phải đóng thuế. Việt Nam cũng phải tiến tới như vậy, cần quy định bắt buộc tất cả mọi người đều phải khai thuế”.

Kinh doanh qua Facebook sẽ phải đăng ký

Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, khó khăn lớn nhất đối với việc thu thuế những người bán hàng qua mạng xã hội là chúng ta đang không có một công cụ nào để kiểm soát các giao dịch buôn bán trên đó. Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng rất cần thiết phải xây dựng công cụ này: “Chẳng hạn bán hàng trên Facebook, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một phần mềm để quản lý bán hàng trên Facebook và tất cả các giao dịch đều phải đi vào phần mềm đó, người nào mua bán không dùng phần mềm đó là bất hợp pháp và phải xử lý”. Dù cho rằng việc xây dựng công cụ quản lý bán hàng qua mạng xã hội là không thể ngày một ngày hai nhưng chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trước tiên chúng ta vẫn phải có quy định, từ quy định đó sẽ có biện pháp và xây dựng công cụ.

Thể hiện quyết tâm thu thuế đối với người kinh doanh qua mạng, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho rằng tiến tới cơ quan thuế sẽ yêu cầu những người thường xuyên kinh doanh hàng hóa qua mạng phải có trách nhiệm đăng ký, kê khai thu nhập để nộp thuế theo quy định. Khi rà soát, kiểm tra cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng có thu nhập chịu thuế nhưng không tự giác kê khai, cơ quan thuế sẽ truy thu và xử phạt theo quy định; đồng thời yêu cầu cá nhân, tổ chức đó đăng ký kinh doanh hàng hóa qua mạng…

Về lộ trình thực hiện thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung và bán hàng qua mạng xã hội nói riêng, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, việc quản lý thuế đối với hoạt động này khá phức tạp. “Về nguyên tắc, theo quy định của Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh, dù bất kỳ hình thức nào thì cũng thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, không chỉ với Việt Nam mà với nhiều nước trên thế giới, Tổng cục Thuế đang có đề án trình Bộ Tài chính hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý thuế đối với đối tượng này” - ông Nguyễn Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế nói và cho biết tiến tới người kinh doanh qua Facebook sẽ phải đăng ký - “Trong Luật Kinh doanh thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đều có quy định phải đăng ký kinh doanh. Còn đối với 

Facebook thì chưa quy định phải đăng ký. Để quản lý vấn đề này, Tổng cục Thuế đang triển khai nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang trình Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung quy định nếu kinh doanh qua Facebook thì phải đăng ký. Từ đó mới có cơ sở để cơ quan thuế cũng như các cơ quan khác giám sát, quản lý thu thuế thuận lợi hơn”. 

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thì cho rằng hiện Luật Quản lý thuế đã quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đều phải nộp thuế. Đây là quy định pháp lý chung nhưng riêng đối với hoạt động thương mại điện tử, thì cần phải bổ sung thêm quy định cá nhân kinh doanh trên Facebook là phải đăng ký. “Cơ chế đăng ký qua mạng như thế nào thì cần phải có sự bàn thảo giữa các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông”, ông Đặng Ngọc Minh nói.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, về nguyên tắc, những giao dịch điện tử đều để lại dấu vết trên mạng, chúng ta có thể kiểm soát được. Vấn đề là phải có hành lang pháp lý để kiểm soát. Khi đã có cơ sở pháp lý, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin để cá nhân kinh doanh trên Facebook có thể khai thuế qua mạng.