Kiều hối "chảy" mạnh về Việt Nam

ANTĐ - Tăng trưởng kinh tế phục hồi, các kênh đầu tư được đánh giá có nhiều triển vọng, cùng với đó là chính sách khuyến khích của Nhà nước đã giúp thu hút kiều hối “chảy” mạnh về Việt Nam trong năm 2015. 

Kiều hối "chảy" mạnh về Việt Nam ảnh 1

Dự báo, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016

13 tỷ USD kiều hối được chuyển về

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2015 đạt 12,25 tỷ USD, tăng khoảng 0,25 tỷ USD so với năm 2014. Xét trên quy mô toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về lượng kiều hối trong năm nay. Còn xét ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Philippines. Cũng theo báo cáo của WB chỉ tính riêng lượng kiều hối từ Mỹ “chảy” về Việt Nam đã đạt khoảng 7 tỷ USD trong năm 2015.

Đáng chú ý, lượng kiều hối chuyển về tăng mạnh khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Cụ thể, kiều hối về Việt Nam năm 2012 đạt 10 tỷ USD, năm 2013 là 11 tỷ USD và năm 2014 là 12 tỷ USD. Dựa trên quy mô lượng kiều hối được chuyển về Việt Nam năm 2015, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định: “Dòng kiều hối sẽ là điểm sáng của kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế thế giới năm 2016. Theo đó, lượng kiều hối sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016”. 

Kiều hối năm 2015 tăng mạnh cũng đã được các chuyên gia cũng như cơ quan quản lý dự báo từ năm 2014 khi các kênh đầu tư trong nước hồi phục, nhất là kênh đầu tư bất động sản với tác động tích cực từ chính sách cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam kể từ ngày 1-7-2015 theo Luật Nhà ở.

Theo Phó Giám đốc một ngân hàng thương mại, lượng kiều hối thường tăng mạnh trước Tết Nguyên đán do đây là thời điểm kiều bào tập trung gửi tiền về cho người thân để đón Tết. Chính vì vậy, bộ phận kiều hối của ngân hàng cũng phải tăng cường để phục vụ. Nhìn chung, lượng kiều hối do ngân hàng chi trả có sự tăng trưởng mạnh qua từng năm, riêng năm 2015, ngân hàng đã chi trả hơn 1 tỷ USD kiều hối. 

Góp phần thúc đẩy tăng trưởng

Qua thống kê tại Việt Nam cho biết, năm 2015 có khoảng 3.600 doanh nghiệp của kiều bào đang hoạt động với 2.000 dự án, tổng vốn 8,6 tỷ USD, mang về nguồn lợi khoảng 20 tỷ USD mỗi năm, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản… Trong năm 2015, với mục tiêu ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất huy động USD đối với các tổ chức cũng như cá nhân về mức 0%/năm. Khi các quyết định này được đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng sẽ tác động mạnh tới lượng kiều hối chuyển về Việt Nam nhưng theo các công ty kiều hối nhận định mức độ tác động không quá lớn. 

Cơ quan quản lý cũng cho biết, hơn 70% kiều hối chuyển về “chảy” vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh; khoảng gần 22% đầu tư vào bất động sản và chỉ khoảng 7% là hỗ trợ thân nhân, gia đình trang trải sinh hoạt, mua sắm, chữa bệnh, xây dựng nhà cửa. Từ những con số trên cho thấy, việc các khoản tiền kiều hối gửi về với mục đích gửi tiết kiệm hoặc chờ biến động tỷ giá để kiếm lời là rất nhỏ.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng có cùng quan điểm: “Chỉ khoảng 10% tiền kiều hối được gửi ngân hàng, còn phần lớn đi vào chi tiêu, đầu tư, kinh doanh. Lượng kiều hối gửi tiết kiệm cũng chỉ mang tính chất “trú ẩn” ngắn hạn trong lúc chờ thời cơ nên việc giảm lãi suất USD về 0% cũng không ảnh hưởng nhiều. Trong khi đó, việc nới lỏng các điều kiện để Việt kiều và người nước ngoài mua, sở hữu nhà tại Việt Nam khiến kênh bất động sản trở nên hấp dẫn - đây được đánh giá là một trong các chính sách giúp tăng lượng kiều hối “chảy” về Việt Nam”. 

Cũng theo các chuyên gia, chính sách hiện hành đã hỗ trợ, cho phép Việt kiều gửi ngoại tệ không hạn chế về Việt Nam như không cần giấy phép, thủ tục hành chính và chỉ mất phí chuyển tiền đã khiến việc chuyển kiều hối thuận tiện nhất. Không những vậy, các ngân hàng thương mại cũng liên tiếp triển khai các chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng gửi và nhận kiều hối.