Không thể "giải cứu" bằng ngân sách

ANTD.VN - Hệ thống tài chính nước ta lâu nay vẫn phụ thuộc nặng nề vào khu vực ngân hàng, bởi vậy những yếu kém của khu vực này khi chưa được giải quyết dứt điểm sẽ tạo thành “cục máu đông” gây tắc nghẽn lớn cho tăng trưởng kinh tế, kéo theo việc làm, thu nhập và phúc lợi của người dân khó được cải thiện. 

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ráo riết tái cấu trúc hệ thống như một số ngân hàng yếu kém được sáp nhập hay hợp nhất. Việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém vào ngân hàng khỏe mạnh hơn nhằm tận dụng được năng lực tài chính và trình độ quản trị tốt với mục đích “khỏe cõng yếu”. Song, thay vì cách li các ngân hàng “ốm yếu” để tránh lây nhiễm, việc sáp nhập này đã chất thêm gánh nặng tài chính, vốn rất khó cứu vãn, lên vai ngân hàng khỏe mạnh.

Trong khi đó, biện pháp “giải cứu” mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng, theo một số chuyên gia, chỉ tạm thời vớt vát được niềm tin của người gửi tiền nhờ được đảm bảo bằng chính cái tên NHNN. Nó có thể ngăn chặn phần nào “bệnh tình” xấu hơn của ngân hàng nhưng để tái cấu trúc thành công, vực dậy tài chính vững mạnh, quản trị hiệu quả là cả một vấn đề không đơn giản.

Về bản chất việc mua 0 đồng hay chuyển giao kế thừa nguồn vốn âm cho một tổ chức tín dụng do NHNN chỉ định hoặc do chính NHNN cũng không khác nhau. Bởi vì, ngân hàng làm ăn bị âm vốn điều lệ thì chẳng có lý gì lại được trả thêm tiền. Vì thế, mua 0 đồng hay chuyển thẳng theo chỉ định thì “ông chủ” cũ của ngân hàng cũng không thêm được đồng nào. Hơn thế, khi mua 0 đồng, NHNN buộc phải kéo dài thời gian, “ôm” cục nợ vào mình và phải chờ thời cơ tìm đối tác.

Nếu không chấm dứt việc mua lại ngân hàng yếu kém giá 0 đồng thì NHNN chỉ việc giao trách nhiệm “ôm” cục nợ đó cho một đối tác là xong, nhẹ gánh. Mặt khác, khi mua với giá 0 đồng, NHNN sẽ tránh được thắc mắc vì sao lại mua với giá đó mà không là 1 đồng? Mặc dù người trong cuộc quá hiểu rằng, trả 1 đồng thì ngân sách phải xuất ra 1 đồng, phải thêm chi phí.

Việc không mua lại ngân hàng yếu kém giá 0 đồng, chính là cam kết của NHNN đã từng khẳng định, ngân sách Nhà nước không bỏ tiền để “giải cứu” ngân hàng yếu kém tức là không dùng tiền thuế của người dân chắt chiu, đóng góp để chi trả khoản mua đó.