Nới quy định sử dụng tài sản Nhà nước vào mục đích kinh doanh:

Không để tiền cho thuê chảy vào túi riêng

ANTĐ - Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, sẽ xem xét đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước theo hướng mở hơn đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính. Các đơn vị này sẽ được giao quản lý tài sản (sau khi xác định giá trị) để kinh doanh dịch vụ, cho thuê... nhằm tránh lãng phí.

Quy định sẽ mở hơn

Tính đến ngày 31-12-2014, tổng nguyên giá tài sản Nhà nước là hơn 999,6 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm tài sản tại các đơn vị lực lương vũ trang nhân dân, doanh nghiệp Nhà nước). Trong đó, 59.251 đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang quản lý 304.810 tài sản (chiếm 63,82% tổng số lượng tài sản Nhà nước), với tổng nguyên giá là hơn 690,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 69,08% tổng giá trị tài sản Nhà nước). 

Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được phép sử dụng tài sản Nhà nước vào mục đích kinh doanh. “Đến nay, mới có 579 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được giao vốn với tổng giá trị tài sản khoảng trên 19.000 tỷ đồng, đây là con số khiêm tốn”, ông Trần Đức Thắng chỉ rõ. 

Không để tiền cho thuê chảy vào túi riêng ảnh 1

Trường cấp 1, cấp 2 có thể được phép cho thuê để tổ chức dạy học buổi tối

Trong khi việc giao vốn cho các đơn vị tự chủ tài chính còn chậm thì những đơn vị khác chưa tự chủ tài chính hiện có nhu cầu tận dụng tài sản nhưng quy định hiện hành lại chưa cho phép. Đại diện Cục Quản lý công sản nêu ví dụ: “Trường học cấp 1, cấp 2 là đơn vị sự nghiệp được Nhà nước “nuôi” hoàn toàn. Nhưng rõ ràng, buổi tối, trường vẫn có thể tận dụng các phòng học để dạy thêm ngoại ngữ, tin học. Nhu cầu của xã hội là có, tài sản đang dư thừa chưa đến mức phải thu hồi để giao cho đơn vị khác nhưng lại chưa được cho phép”. 

“Đây là vấn đề sẽ được sửa đổi trong thời gian tới. Cụ thể, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên cũng sẽ thuộc diện được Nhà nước xác định giá trị tài sản và giao cho quản lý để tránh lãng phí”, ông Trần Đức Thắng chia sẻ. 

Cơ sở y tế không thể biến thành nhà hàng

Việc khai thác, tận dụng tài sản Nhà nước theo hướng mở nêu trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc cho thuê tài sản được thực hiện qua hình thức đấu thầu, nhưng trên thực tế, tình trạng khuất tất trong đấu thầu vẫn xảy ra. Có trường hợp, việc mời thầu và bán hồ sơ thầu chỉ được tổ chức trong vòng 1 ngày, với những điều kiện hết sức khắt khe mà chỉ những người trong cuộc mới biết trước để đáp ứng. Nếu để xảy ra tình trạng trên thì hiệu quả của việc cho thuê sẽ giảm, thậm chí gây lãng phí tài sản Nhà nước hoặc tiền cho thuê chảy vào túi riêng. 

Về vấn đề này, ông Trần Đức Thắng cho rằng: “Các quy định đều đã rõ ràng. Việc cho thuê phải đúng mục đích được giao. Ví dụ, các trung tâm thể dục thể thao của quận, huyện có thể xây thêm bể bơi, sân tennis để cho thuê. Tại các cơ sở y tế, việc cho thuê cũng phải đảm bảo mục đích khám chữa bệnh, không thể mang đất của cơ sở y tế cho thuê nhà hàng, quán bar. Ngoài ra, quy định về xử lý vi phạm hành chính trong quản lý tài sản cũng nêu rõ, nếu dùng sai quy định thì sẽ bị phạt tiền, cảnh cáo”. 

Vấn đề lãng phí tài sản công đang được dư luận hết sức quan tâm. Tình trạng sử dụng kém hiệu quả, lãng phí vẫn diễn ra. Cục trưởng Cục Quản lý Công sản khẳng định: “Sai đến đâu sẽ xử lý đến đó. Chế tài đã rõ ràng. Thực tế vẫn có nhiều nơi sử dụng công sản lãng phí, tuy nhiên, vài năm trở lại đây, chúng ta đã khắc phục được nhiều so với trước. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra và có thông tin đến dư luận”.