Không có lợn bán, thị trường lại ế ẩm

(ANTĐ) - Giá thịt lợn hơi xuất chuồng ngày một tăng cao. Nông dân ngẩn ngơ vì không có lợn để bán. Lái buôn cũng khốn khổ vì lợn thịt hiếm, mua đã khó mà bán cũng ế vì giá cao.

Không có lợn bán, thị trường lại ế ẩm

(ANTĐ) - Giá thịt lợn hơi xuất chuồng ngày một tăng cao. Nông dân ngẩn ngơ vì không có lợn để bán. Lái buôn cũng khốn khổ vì lợn thịt hiếm, mua đã khó mà bán cũng ế vì giá cao.

Ảm đạm chăn nuôi lợn

Thị trường thịt lợn ế ẩm vì giá cao

Thị trường thịt lợn ế ẩm vì giá cao

Nguyên liệu đầu vào tăng cao cộng với dịch bệnh trên gia súc hoành hành nhiều tháng nay khiến người chăn nuôi lợn bỏ chuồng, ngại tái đàn. Điều này đã dẫn đến tình trạng tổng đàn lợn trên cả nước giảm trong 4 tháng đầu năm 2011. Trong khi đó, dù giá lợn hơi xuất chuồng đang đứng ở mức cao, từ 55.000-60.000 đồng/kg, tăng từ 10.000-12.000 đồng/kg so với cuối năm 2010, song vẫn không khuyến khích được người chăn nuôi. Người tiêu dùng cũng phải ngậm ngùi tiết giảm lượng thịt ăn hàng ngày bởi giá thịt lợn quá cao.

Anh Nguyễn Trọng Long - một hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn nhất xã Tân Ước, huyện Thanh Oai với tổng đàn 3.000 con đang chật vật xoay xở với đầu vào. Theo anh Long, từ đầu tháng 3 đến nay, giá cám đã 3 lần tăng và phía công ty sản xuất cám vừa thông báo tiếp tục tăng nữa. “Trước thời điểm tăng giá điện, chi phí tiền điện mỗi tháng của toàn trang trại là 15 triệu đồng. Nay giá điện tăng thì không biết phải bù lỗ thế nào. Nhất là mùa hè đã đến, lượng điện dùng sẽ tăng rất nhiều” - anh Long cho biết. Giá cám tăng 1 đồng, giá lợn đầu ra phải tăng ít nhất là 3,5 đồng thì mới không lỗ. Nếu giá cám tiếp tục tăng, chắc chắn không thể bù phí đầu vào. Theo anh Long, do hộ anh chăn nuôi quy mô lớn, nên dù có hòa vốn cũng phải duy trì bởi nếu bỏ chuồng thiệt hại sẽ còn lớn hơn. Với chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, nhiều hộ đã bỏ chăn nuôi lợn.

Tại một số khu vực chăn nuôi lân cận như Hưng Yên, Hải Dương… cũng không khả quan hơn. Anh Nguyễn Đức Quảng, một chủ trại chăn nuôi ở xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giang, tỉnh Hải Dương ngao ngán: “Với mức giá lợn hơi xuất được 55.000-60.000 đồng/kg, kể có lợn xuất thì cũng kiếm được ít tiền để lấy vốn tái đàn, nhưng ngặt nỗi, chuồng trại bỏ không bấy nay, giờ nhập giống về nuôi cũng phải mất ngót nghét tiền tỷ”.

Nghịch lý khó giải

Nông dân không có lợn để bán, thương lái khó tìm lợn mua để cung cấp cho thị trường, nhưng thị trường thịt lợn lại rơi vào ế ẩm vì giá cao. Chị Hoa, một thương lái bán thịt tại chợ Xuân La, Tây Hồ cho biết, lợn khan hiếm, đến lò mổ phải tranh giành nhau mới lấy được thịt về bán. Nhưng, thịt tại chợ tiêu thụ cũng chậm rõ rệt, cùng một lượng thịt nhập về, nhưng dạo trước chỉ bán đến nửa chiều là hết, giờ phải ngồi đến tối mịt. “Giá thịt đắt đỏ, trong khi mọi thứ đều tăng, bắt buộc người dân phải tiết giảm, từ đồ ăn thức uống hàng ngày”.

Trong khi tình hình chăn nuôi lợn chưa có tín hiệu sáng sủa hơn thì giá thức ăn chăn nuôi (TACN) được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới. Thống kê của Hiệp hội TACN cho thấy, từ năm 2010 đến nay, giá TACN trên thị trường đã 22 lần tăng giá. Thêm vào đó, hiện, dự trữ ngô thế giới đã rơi xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1930 trở lại đây. Điều này liên tiếp đẩy giá ngô tăng cao, theo dự báo, giá ngô sẽ chạm mức kỷ lục vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới.

Từ đầu năm 2011, Bộ Công Thương đã thống kê và ước tính tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước năm nay đối với các loại thịt khoảng 2,9 triệu tấn, tăng 6,5-7% so với năm trước. Trong đó, thịt lợn hơi tăng khoảng 6-6,5%. Như vậy, lượng thịt cần nhập về trong năm 2011 khoảng 100.000 tấn, tương đương với hơn 3% tổng nhu cầu, trong đó thịt lợn chiếm phần lớn.

Nhận định về tình trạng thịt cung cấp cho thị trường bị thiếu hụt, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, đây là thời điểm tương đối nhạy cảm, bởi việc “sốt giá” thịt lợn có thể do hàng loạt chi phí đầu vào như điện, xăng… tăng cao, dẫn tới giá thành phẩm trong nước tăng. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng nếu nhu cầu thực sự của thị trường tăng cao, Bộ Công Thương sẽ làm việc với Bộ NN&PTNT để thống nhất số lượng thịt nhập khẩu. Tuy nhiên, do thịt là mặt hàng mà Bộ này không khuyến khích nhập khẩu để bảo hộ sản xuất trong nước, nên việc nhập khẩu thịt sẽ hết sức thận trọng.

Ngân Tuyền