Khó dẹp "ma trận" thủ tục

ANTD.VN - Một số quy định của các bộ, ngành khiến doanh nghiệp phải xin đến hàng nghìn giấy phép trong 1 năm, hàng phải lưu kho bãi lâu gây tốn kém chi phí.

Doanh nghiệp mong muốn minh bạch về phụ phí cảng biển

Đánh giá Chính phủ đã có nhiều cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh song Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) tiếp tục kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành tập trung hơn nữa trong việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam. 

Không nhanh chân là tụt hậu

Theo ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký VPSF, Nghị quyết 19 của Chính phủ qua từng năm đã giúp môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Ông Đào Huy Giám cho hay: “Đa số các bộ cải cách hành chính tốt. Nhưng để đạt được mục tiêu ASEAN 4, chúng ta còn khoảng cách rất xa. Những nước trong ASEAN có trình độ thấp hơn hoặc ngang Việt Nam đang vượt lên rất mạnh. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu ta không tiến nhanh hơn họ trong cải cách thì mục tiêu của chúng ta sẽ bị phá sản. Chúng ta cần có biện pháp kiểm tra, giám sát, bổ sung việc thực hiện cải cách trong thực tế để tăng tốc”.

Cũng về vấn đề này, ông  Phan Thông - Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho biết, phụ phí vận tải biển là vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp suốt hơn 2 năm qua. “Phụ phí bất hợp lý vẫn tồn tại. Chúng tôi đang đợi văn bản chính thức về các loại phụ phí liên quan để lĩnh vực này minh bạch hơn. Chi phí minh bạch thì doanh nghiệp mới kinh doanh tốt được. Về xuất nhập khẩu, môi trường thông quan vẫn là điều doanh nghiệp quan tâm nhất” - ông Phan Thông nói. 

Phàn nàn thủ tục hành chính vẫn đang “hành” doanh nghiệp, ông Hoàng Việt Hà - Giám đốc điều hành Tập đoàn FPT cho biết: “Thủ tục không giảm đi mà còn nhiều hơn trước. Vì quy định của các bộ, ngành mà một năm, số lượng giấy phép chúng tôi phải xin cho riêng ngành hàng mobile là hơn 1.000 giấy phép nhập khẩu, chưa kể chi phí rất lớn phải bỏ ra vì hàng hóa phải lưu kho bãi”. Theo ông Hoàng Việt Hà, doanh nghiệp không cần Nhà nước hỗ trợ vốn, mà chỉ cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục là đã tự phát triển. “Các bộ, ngành cần cam kết cụ thể sẽ cắt giảm bao nhiêu thủ tục, không thể nói chung chung” - đại diện Tập đoàn FPT kiến nghị.

Cơ quan quản lý cũng kêu khó

Thừa nhận việc kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập, ông Ngô Hải Phan - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết, hoạt động kiểm tra chuyên ngành hiện nay chủ yếu thực hiện bằng phương pháp thủ công, chưa áp dụng việc công nhận kết quả kiểm tra. Ngoài ra, việc trao đổi trong kiểm tra chuyên ngành giữa các đơn vị liên quan hiện nay cũng còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện máy móc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn rất hạn chế, hoạt động chưa hiệu quả. Vì vậy, “các bộ quản lý chuyên ngành cần cải cách mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa về khung thể chế, cách thức, phương thức kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành rõ ràng có mã HS; chế độ quản lý, hình thức, thời điểm kiểm tra, chi phí kiểm tra… cần minh bạch, dễ thực hiện, không chồng chéo” - ông Ngô Hải Phan kiến nghị.

Theo ông Đào Huy Giám, chỉ có thẳng thắn, trách nhiệm và đẩy mạnh các hoạt động tham vấn, hợp tác, đối thoại từ cả hai khu vực công và tư thì những vướng mắc, bức xúc lâu nay về chính sách, pháp luật cũng như cơ chế quản lý mới có cơ hội được xử lý. “Để có thể đi đến cùng trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, VPSF đã xây dựng lộ trình rà soát, đánh giá và xây dựng giải pháp cải cách trong năm 2017” - ông Đào Huy Giám chia sẻ.