Hàng Thái Lan tràn ngập hệ thống bán lẻ Việt Nam

ANTD.VN - 8 tháng đầu năm nay, nhập siêu từ Thái Lan đã tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Bộ Công Thương cho rằng, sở dĩ nhập khẩu từ Thái Lan tăng là do có sự chuyển dịch thị trường nhập khẩu từ Trung Quốc sang Thái Lan.

Hàng tiêu dùng Thái Lan đang được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng

“Phủ sóng” khắp nơi

Bộ Công Thương cho biết, 8 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Thái Lan đạt khoảng 9,64 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan đạt khoảng 3,07 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỷ USD. Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Một số mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan là hàng điện gia dụng và linh kiện, rau quả, ô tô nguyên chiếc, xăng dầu các loại.... Đáng chú ý, nhiều mặt hàng trong nước đã sản xuất được nhưng các doanh nghiệp vẫn nhập hàng từ Thái Lan về bán như: hàng điện, điện tử gia dụng và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm nhựa, sắt thép, các sản phẩm gia dụng… 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đặt câu hỏi: “Tại sao Việt Nam lại nhập siêu từ Thái Lan, trong khi cũng là các nước trong khu vực ASEAN như: Indonesia, Philippines, hàng hóa của Thái Lan lại không thể thâm nhập sâu rộng như tại thị trường Việt Nam”?

Về câu hỏi này, Bộ Công Thương cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho nhập siêu từ Thái Lan tăng mạnh trong thời gian gần đây, trong đó có việc Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết; xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với xấp xỉ 90% tổng số dòng thuế và sẽ xóa bỏ thuế đối với 98% số dòng thuế vào năm 2018.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý chuộng hàng Thái. Tuy nhiên, một nguyên nhân đặc biệt quan trọng khác khiến hàng Thái phủ sóng ngày càng rộng tại thị trường Việt Nam là do Thái Lan đã thiết lập kênh phân phối vững chắc và đang tiếp tục mở rộng tại Việt Nam. 

Theo một chuyên gia thị trường, các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group đã mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam thời gian qua và tiếp tục có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Thái đưa trực tiếp hàng Thái tới người tiêu dùng Việt Nam. 

Để hàng Thái không lấn át hàng Việt

Theo Bộ Công Thương, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 410 triệu USD rau quả từ Thái Lan, chiếm 44,3% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ thế giới và gấp 10 lần kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Thái Lan trong năm 2016. 8 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đã lên tới 618 triệu USD.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Năm nay, số lượng rau quả nhập khẩu từ Thái Lan tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm trước. Qua kiểm tra cho thấy, trên thực tế sản phẩm nhập khẩu không tiêu thụ tại thị trường trong nước mà có tới 90% nhập khẩu xong được tái xuất sang Trung Quốc” - ông Hoàng Trung nói. 

Trên thực tế, dù Việt Nam đã xuất khẩu sang Thái Lan sản phẩm gì đi chăng nữa, thì trước sự gia tăng mạnh mẽ hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan, các bộ, ngành rõ ràng cần giải pháp căn cơ để hàng Thái không “lấn át” hàng Việt tại thị trường Việt Nam, nhất là từ đầu năm 2018.

Để cân bằng cán cân thương mại giữa 2 nước, cách mà doanh nghiệp Việt Nam đang làm là tổ chức đưa hàng Việt vào Thái Lan thông qua hệ thống bán lẻ của họ hay tổ chức một số hội chợ hàng Việt tại Thái Lan cần được thực hiện bài bản, mạnh mẽ và hiệu quả hơn.