Hàng Tết, không lo "sốc" giá

ANTD.VN - Không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết. Đó là chỉ đạo của UBND TP Hà Nội đối với Sở Công Thương cùng các doanh nghiệp trên địa bàn.

Để bảo đảm lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp với doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tháng trước và trong Tết Nguyên đán đạt khoảng 23.130 tỷ đồng. Hàng Tết được tổ chức bán tại 20 trung tâm thương mại, 119 siêu thị, 700 cửa hàng tiện ích, cũng như tại các hộ kinh doanh và 454 chợ trên địa bàn.

Hàng Tết, không lo "sốc" giá ảnh 1Hàng hóa Tết có nguồn cung lớn tuy giá một số mặt hàng thiết yếu có thể tăng 5-10%

Nguồn hàng dồi dào

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết đã chuẩn bị, dự trữ các mặt hàng với tổng trị giá khoảng 1.200 tỷ đồng, phục vụ tại gần 70 điểm bán lẻ trên toàn hệ thống. Bà Nguyễn Hải Thanh, Phó Tổng Giám đốc Hapro cho biết, trong dịp Tết, Hapro sẽ tổ chức điểm bán hàng theo mô hình “Chợ Tết” với sự tham gia của các đơn vị thành viên, đồng thời liên kết với một số đối tác cùng tham gia nhằm tạo sự đa dạng hình thức kinh doanh. Dự kiến “Chợ Tết” sẽ tổ chức từ ngày 19 đến 23-1 (tức từ 22 đến 26 tháng Chạp), tại xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa).

Ngoài ra, Hapro còn tổ chức hơn 100 chuyến bán hàng về các vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố. Tổng công ty phấn đấu tổng doanh thu trong dịp Tết này tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Hệ thống siêu thị Co.opmart cũng cho biết dự trữ tổng lượng hàng hóa cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết là hơn 110.000 tấn, tăng 15% so với năm trước. Trong đó, lượng hàng bình ổn tăng 5-30% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có độ tăng trưởng khác nhau khoảng 10-30%, dự kiến tăng cao nhất ở nhóm nước giải khát, bia, trái cây và rau, củ, quả. 

Đại diện Vinmart, công ty với hệ thống trên 400 cửa hàng tiện ích và gần 20 trung tâm thương mại, siêu thị cũng cho biết công ty đã lên kế hoạch và dự trữ hàng hóa khoảng trên 1.000 tỷ đồng và sẽ cung ứng đầy đủ hàng hóa, bảo đảm bình ổn giá cả hàng hóa tại hệ thống cửa hàng. Ngoài ra, công ty còn phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất hàng Việt đầu tư trên 100 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp này bán hàng không lợi nhuận trong hệ thống Vinmart.

Là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn hàng hóa nhiều năm nay, Công ty cổ phần Nhất Nam (sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart) đã lên kế hoạch dự trữ 250 tỷ đồng, lượng hàng hóa dự trữ tăng 30% so với năm ngoái. Đại diện siêu thị Hiền Lương cũng cho biết, năm nay doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng Tết tăng 115% so với năm trước, trong đó hàng Việt chiếm 95% các loại hàng hóa thiết yếu. 

Siêu thị ổn định giá

Năm nay thành phố không có nguồn ngân sách cho chương trình bình ổn giá như những năm trước nhưng đại diện các doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn giá đều khẳng định giá cả hàng hóa sẽ đảm bảo ổn định trong dịp Tết. “Chúng tôi đã nhiều năm tham gia các chương trình bình ổn giá của Sở Công Thương, vì vậy siêu thị đã liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung, giữ giá ổn định” - bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc siêu thị Hiền Lương thông tin.

Tương tự, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhất Nam cho biết Fivimart đã tập trung khai thác thực phẩm tươi sống từ các tỉnh lân cận nên nguồn hàng rất dồi dào, giá cả sẽ ổn định. “Tuy nhiên, dịp Tết, giá mặt hàng bánh kẹo, rượu bia nhập khẩu bao giờ cũng tăng lên một chút, nhất là khi tỷ giá đồng đô la thời điểm các doanh nghiệp nhập khẩu hàng Tết tăng mạnh” - bà Vũ Thị Hậu cho biết. 

Tuy nhiên, có một thực tế là các chương trình khuyến mãi, bình ổn thị trường chủ yếu được thực hiện ở các nhà phân phối, bán lẻ lớn nơi tỷ trọng lưu thông hàng hóa thực phẩm phục vụ Tết chiếm khoảng 25-30%. Còn lại trên 70% hàng hóa vẫn lưu thông qua kênh bán lẻ truyền thống (các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ) và giá cả ở đây phụ thuộc các tiểu thương.

Theo Bộ Công Thương, hàng hóa ở khu vực này có xu hướng tăng ở một số mặt hàng. Nguyên nhân do sức mua tăng dồn, việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết sẽ phát sinh chi phí, bên cạnh đó, chủng loại hàng hóa phục vụ Tết thường là các mặt hàng chất lượng cao (như thủy hải sản cao cấp, gà ri, gà ta…) nên giá cả các mặt hàng này có thể biến động tăng cục bộ tại một số nơi.

Bộ Công Thương ước tính mức tăng các mặt hàng thiết yếu có thể tăng khoảng 5-10% so với ngày thường và tăng khoảng 4-5% so với cùng kỳ năm trước.

Tích cực đưa hàng Việt về nông thôn

Phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp đã và sẽ tổ chức 22 phiên chợ Tết cùng hàng trăm chuyến bán hàng lưu động, chiếm 10% tổng giá trị hàng hóa bán ra trong dịp Tết. 

Ngày 13-1, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND huyện Quốc Oai và huyện Mỹ Đức tổ chức Hội chợ phục vụ Tết 2017 với quy mô mỗi hội chợ 100 - 120 gian hàng. Dự kiến sẽ có thêm 3 Hội chợ phục vụ Tết nữa diễn ra tại các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây.

Các doanh nghiệp đã mang đến hội chợ những sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm, sản phẩm dệt may, đồ gia dụng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm đặc sản vùng miền… bảo đảm chất lượng, cùng nhiều chương trình khuyến mãi thiết thực tới người tiêu dùng. 

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, các Hội chợ phục vụ Tết vùng ngoại thành là một trong những hoạt động thiết thực nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đồng thời đảm bảo cung ứng hàng hóa chất lượng tốt, giá thành hợp lý đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân ngoại thành không có điều kiện vào nội thành...

Các Hội chợ phục vụ Tết cũng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa phục vụ Tết, quảng bá các sản phẩm hàng Việt Nam tới người tiêu dùng, góp phần bình ổn giá, ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. 

Tuy các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp nhưng theo bà Trần Thị Phương Lan, do gặp khó khăn và chi phí cao cho quá trình vận chuyển nên lợi nhuận của các doanh nghiệp là không đáng kể, dù doanh thu tốt. “Chúng tôi rất hoan nghênh các doanh nghiệp tham gia chương trình, vì mục đích chủ yếu là phục vụ người dân và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Vì vậy Sở cũng đã động viên, hỗ trợ để các doanh nghiệp tham gia nhiều, đem lại hàng hóa đa dạng, chất lượng cho người dân” - bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Bên cạnh nguồn hàng dồi dào, thành phố Hà Nội cũng đặc biệt lưu ý đến chất lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo Ban Chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra hàng hóa phục vụ Tết, chú trọng đến an toàn thực phẩm tại địa bàn các quận, huyện. 

Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường có kế hoạch kiểm tra trong dịp Tết, trong đó tập trung đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm… để bảo đảm cho nhân dân Thủ đô yên tâm đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu vui tươi, lành mạnh.