Gỡ "rừng" thủ tục làm khó doanh nghiệp

ANTD.VN - Theo chỉ đạo của Chính phủ, 13 bộ, ngành phải cùng “ngồi lại” với nhau để tháo gỡ bớt các thủ tục đang làm khó doanh nghiệp.

Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra thực tế tại Hải Phòng 

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay, có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Mỗi năm, doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành.

Mò mẫm hết đêm cũng không xong

Nêu ví dụ một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải thực hiện theo 4 văn bản của Bộ NN&PTNT (gồm 3 thông tư và 1 quyết định của Bộ trưởng); một giống cây trồng cũng phải theo 3 thông tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi: “Như vậy có hợp lý không? Tôi nghĩ doanh nghiệp làm lần đầu chắc mò mẫm đến hết đêm cũng không làm được, như vào rừng”.

Trước thực tế này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: “Phải quyết tâm cắt bỏ các giấy phép, thủ tục không cần thiết. Đây là nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra cho các bộ, ngành và năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp”.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, ngày 9-8-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 75/NQ-CP. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện phải kiểm tra Nhà nước trước khi thông quan của 12 bộ chuyên ngành.

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ giao các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, NN&PTNT, Y tế rà soát, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành với mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% hiện nay xuống 15%.

Cắt rồi nhưng phải cắt nữa

Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng 12 bộ, ngành liên quan phải tiến hành rà soát để loại bỏ các thủ tục rườm rà làm khó doanh nghiệp hiện nay. Về nội dung này, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Trần Thị Oanh cho biết, hàng năm, Bộ Y tế đều có soát xét danh mục hàng hóa nhóm 2. Hiện nay, Bộ cũng đang rà soát và đưa một số mặt hàng ra khỏi danh mục kiểm tra Nhà nước.

Mới nhất, Bộ Y tế đã rà soát, ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 theo Thông tư số 31 năm 2017 thay thế Thông tư số 44 năm 2011 - loại bỏ đi một số sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn. Theo Thông tư 31, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc phạm vi được phân công quản lý của Bộ Y tế gồm 6 nhóm.

Bà Phạm Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho hay, liên tiếp trong 3 năm từ 2015 - 2017, thực hiện yêu cầu của Chính phủ về tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã rà soát, loại bỏ nhóm hàng tiêu dùng ra khỏi danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2. Mới đây, Bộ này đã rà soát và ban hành danh mục nhóm 2, trong đó loại bỏ 3 nhóm: sản phẩm dệt may, phân bón, máy, thiết bị công nghiệp; bãi bỏ 5 thủ tục hành chính tại Thông tư 58 về quản lý chất lượng thép…

Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNN) cho biết, thời gian qua, Bộ đã quyết liệt trong việc rà soát lại danh mục hàng hóa nhóm 2; đã ban hành 52 quy chuẩn Việt Nam để quản lý hàng hóa nhóm 2… Đại diện các bộ này cùng cam kết, sẽ tiếp tục khẩn trương rà soát để sớm cắt giảm các thủ tục theo chỉ đạo của Chính phủ.