Giá lợn hơi "lao dốc", thị trường bán lẻ dửng dưng

ANTD.VN - Giá lợn chăn nuôi tiếp tục “lao dốc”, chỉ còn 12.000-15.000 đồng/kg ngay tại Hà Nội. Các siêu thị và chợ dân sinh ở Hà Nội đã rục rịch giảm giá bán ra nhưng không đáng kể.

Ngày 28-4, Chính phủ đã họp với Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT để bàn giải pháp giải cứu người chăn nuôi lợn trong bối cảnh giá tiếp tục “lao dốc”. Chiều cùng ngày, liên Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục họp bàn để cụ thể hóa các giải pháp giải cứu người chăn nuôi. Trước sức ép của dư luận, một số siêu thị ở Hà Nội và TP.HCM đã bắt đầu giảm giá, chợ dân sinh cũng giảm nhưng mức giảm còn thấp.

Giá lợn hơi "lao dốc", thị trường bán lẻ dửng dưng ảnh 1Giá thịt lợn tại các siêu thị đã giảm nhưng vẫn ở mức cao

Giá lợn tụt nhanh

Trong khi các ngành chức năng vẫn đang họp bàn và tìm những giải pháp cụ thể để giải cứu ngành chăn nuôi lợn thì giá thịt lợn hơi trong dân vẫn tiếp đà “lao dốc” mạnh. Tại nhiều địa phương chăn nuôi lớn khu vực phía Bắc, giá lợn hơi đã xuống mức 10.000-12.000 đồng/kg.

Tại một số huyện chăn nuôi lớn của Hà Nội như Hoài Đức, Phú Xuyên… giá lợn hơi trong dân cũng chỉ còn 12.000-15.000 đồng/kg nhưng vẫn khó tiêu thụ. Anh Nguyễn Đình Lợi, ở xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ,  giá lợn xuất chuồng chỉ còn 12.000-15.000 đồng/kg đối với lợn có trọng lượng vừa phải, lợn từ 1,5 tạ trở lên không thể bán được vì thương lái không thu mua - “Giờ chúng tôi chỉ mong Nhà nước có giải pháp nào giãn nợ, khoanh nợ cho các hộ chăn nuôi, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ lợn trong dân”.

Giá bán lẻ giảm không đáng kể

Trong khi giá lợn hơi trong dân giảm mạnh thì giá bán thịt lợn tại các siêu thị và chợ dân sinh giảm nhỏ giọt và vẫn ở mức cao. Khảo sát của phóng viên vào sáng 28-4 tại Siêu thị Unimart, Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội cho thấy, giá sườn là 125.000 đồng/kg, nạc vai 130.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 146.000 đồng/kg. Theo lý giải của nhân viên bán hàng, giá thịt lợn tại siêu thị này cao vì đây là thịt lợn… sinh học. 

Còn tại Siêu thị Intimex trên đường Lê Duẩn, Đống Đa, Hà Nội, giá có hạ hơn chút ít nhưng cũng chưa tương xứng với mức giảm của giá lợn hơi trong dân. Cụ thể, giá sườn (đã bỏ cục) là 124.000 đồng/kg, xương ống 60.000 đồng/kg, thịt chân giò 94.000 đồng/kg, dạ dày 152.000 đồng/kg, lưỡi lợn 129.000 đồng/kg…

Bên cạnh đó, giá các loại thực phẩm chế biến từ thịt lợn tại các chợ cũng không giảm, thịt lợn quay phổ biến ở mức 200.000 đồng/kg, giò lợn 110.000 đồng/kg… Giá thịt tại một số chợ dân sinh dao động ở mức 80.000-90.000 đồng/kg sườn và ba chỉ, thịt vai là 75.000-80.000 đồng/kg… Mức giá này đã giảm so với khoảng 1 tuần trước đây. Song, theo các công ty chăn nuôi, giết mổ, giá bán này vẫn cao. Với giá lợn như hiện nay, giá thịt lợn bán ra ở mức 60.000-70.000 đồng/kg mới hợp lý. 

Nhiều lực lượng vào cuộc “giải cứu”

Tại cuộc họp chiều 28-4, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đã triển khai họp giao ban trực tuyến với các đơn vị nhằm tìm cách tháo gỡ, tiêu thụ các sản phẩm gia súc cho nông dân. “Chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo và có kế hoạch chi tiết để gửi cho Bộ NN&PTNT, trong đó phấn đấu 1 quý tiêu thụ hàng chục nghìn tấn thịt lợn”, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành thông tin.

Còn theo Thiếu tướng Phan Bá Dân, đại diện Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, quân đội sẽ chia sẻ những khó khăn với bà con nông dân. Để mở rộng thị trường, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, đang đàm phán với Trung Quốc để mở rộng xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang thị trường này. Chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn thu mua. Đồng thời, xem xét lại việc nhập khẩu thịt lợn, mặc dù số lượng này chỉ chiếm 1%. Việc tạm nhập tái xuất thịt lợn không lớn, có thể tạm dừng nhập nhưng phải dựa trên các quy định quốc tế.

Ngay sau cuộc họp chiều 28-4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tới Thái Nguyên kết nối với Tập đoàn Samsung để thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn cho bà con nông dân. 

“Giá lợn xuống thấp quá nhiều khiến các trang trại thay vì đưa lợn ra lò mổ để giết thịt đã tự giết mổ ngay tại trang trại để giảm chi phí. Tôi vừa đi khảo sát một số trang trại chăn nuôi cho thấy, nhiều trang trại đã phải thế chấp sổ đỏ để duy trì đàn lợn nhưng mãi chưa bán được, tình hình đang rất khó khăn cho người nuôi”.

Ông Tạ Văn Tường, (Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội)

“Vấn đề phân chia lợi nhuận trong ngành thịt lợn chưa kiểm soát được. Dù bà con nông dân bán lợn rất rẻ, giá đã xuống mức 10.000-15.000 đồng/kg nhưng người dân vẫn phải mua thịt với giá cao và lợi nhuận rơi vào các khâu trung gian rất lớn”.

Ông Tống Xuân Chinh, (Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi)