GDP 6 tháng cuối năm phải tăng thấp nhất 7,4%: Thách thức lớn của nền kinh tế

ANTD.VN - Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm nay là 6,7% như đã đề ra, 6 tháng cuối năm, GDP phải tăng ít nhất 7,4%. 

Nền kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc

Ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ thống kê tài khoản quốc gia (TCTK) cho biết, mức tăng trưởng 7,4% trong 6 tháng cuối năm chưa từng có trong lịch sử. Thế nên, mục tiêu GDP cả năm tăng 6,7% rất khó khăn.

Ngày 29-6, TCTK cho biết, 2 quý đầu năm nay, GDP tăng 5,73%. Nền kinh tế quý II đã khởi sắc hơn quý I, trong khi GDP quý I tăng 5,15% thì sang quý II, con số này đã tăng lên 6,17%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,18%, đóng góp 2 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 2,59 điểm phần trăm. 

Đánh giá về tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua, ông Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục trưởng TCTK cho hay: "Tăng trưởng có dấu hiệu khởi sắc và bứt phá trong quý II- 2017. Mức bứt phá này cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng rất tốt".

Theo đó, từ năm 2011 đến nay, mức chênh lệch tăng trưởng kinh tế giữa quý I và quý II trung bình chỉ là 0,3 điểm phần trăm. Tuy nhiên năm nay, con số này là trên 1 điểm phần trăm.

Trong quý II, 17/20 ngành kinh tế cấp 1 tăng cao hơn quý I. Trong đó, 1 số ngành và lĩnh vực rất cao: chế biến chế tạo, thương mại, lưu trú và ăn uống... 

Giá cả trong nước đang dần ổn định nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng thấp, lạm phát giảm dần và ổn định. Chỉ số giá sản xuất tăng nhẹ nên chi phí sản xuất tăng thấp, góp phần giải quyết khó khăn, tăng trưởng cao.

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ và tỷ giá cũng tương đối ổn định, hỗ trợ cho sản xuất. 

TCTK cho biết, kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng dựa vào các yếu tố thuận lợi là: vốn đầu tư vẫn tăng, tăng trưởng tín dụng còn dư địa. Ngoài ra, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng được kỳ vọng sẽ đem lại giá trị cao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2017 giảm 0,17% so với tháng trước do tác động mạnh của giá cả nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thịt lợn giảm mạnh; nhóm giao thông giảm theo giá xăng.

So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng 2,54% và so với tháng 12-2016, CPI tăng 0,2%. Bình quân 6 tháng đầu năm 2017, CPI tăng 4,15%.

Cán cân thương mại tháng 6-2017 ước nhập siêu 200 triệu USD. Tính chung 6 tháng, nhập siêu ở mức 2,7 tỷ USD.