Gánh nặng thuế, phí thách thức sức cạnh tranh của doanh nghiệp

ANTĐ - Dự kiến, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập vào cuối năm nay. Tương tự như các hiệp định thương mại khác mà Việt Nam tham gia ký kết, AEC được dự báo sẽ đem lại không ít cơ hội nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.

Gánh nặng thuế, phí thách thức sức cạnh tranh của doanh nghiệp ảnh 1Chỉ còn khoảng 7% hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam phải chịu thuế

Cạnh tranh khốc liệt

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, tham gia AEC, sức ép cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam rất lớn, không chỉ tại các nước ASEAN mà ngay cả ở thị trường nội địa. “70% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hoàn toàn không tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, chỉ hoạt động nội địa, nhưng không vì vậy mà sức ép cạnh tranh không ập đến với họ. Khác với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), AEC tạo sức ép toàn diện đối với Việt Nam về cạnh tranh trên thị trường nội địa, vì gần như Việt Nam sản xuất gì, ASEAN có sản phẩm đó. Trong khi đó, người dân mỗi nước lại đặt niềm tin  vào chất lượng sản phẩm của nước họ hơn” - bà Phạm Chi Lan phân tích.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải không ít rào cản từ trong nước, đặc biệt là gánh nặng thuế, phí, thủ tục hành chính nhiêu khê, phức tạp. Chẳng hạn, 1 quả trứng phải “cõng” 14 loại thuế, phí, một con lợn chịu 51 loại thuế, phí. Bà Phạm Chi Lan thẳng thắn nói: “Nhiều báo cáo Việt Nam xếp Việt Nam đứng thứ hai, thứ ba về sự sẵn sàng khi tham gia AEC nhưng đây chỉ là hình thức. Bởi, khi thực hiện các giải pháp hội nhập, chúng ta lại làm phát sinh nghịch lý tích cực tự do hóa bên ngoài, hạn chế tự do hóa bên trong. Mặc dù, Việt Nam đã giảm hàng loạt hàng rào thuế quan đối với các nước khi tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng đối với doanh nghiệp trong nước nhiều hàng rào lại dựng lên”. 

Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức khi tham gia AEC như cạnh tranh ngày càng gay gắt về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư… PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn nhận định: “Hiện các doanh nghiệp Việt Nam còn bị động và có mức độ sẵn sàng cho hội nhập AEC chưa cao. Khả năng thực thi chính sách nhằm đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển với ASEAN 6 cũng chưa thực sự hiệu quả”. 

Liên kết tạo sức mạnh

Trước thực trạng này, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để khai thác được cơ hội, hạn chế thách thức từ AEC? Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh,  “Nền tảng trong nước rất quan trọng trong tương lai. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải liên kết để tham gia kinh doanh mạnh mẽ hơn. Chúng ta nói nhiều đến hội nhập, chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu nhưng trong nước không liên kết thì rất khó ra ngoài liên kết”. 

Về phía Nhà nước, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: AEC là mắt xích quan trọng để Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn nhất. Nhưng để làm được điều đó, Chính phủ cần lồng ghép hội nhập vào các chiến lược phát triển, chính sửa thể chế và pháp luật tương thích với nguyên tắc “chơi” và chuẩn mực mới; Hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp thông tin và pháp lý. Bản thân bộ máy Nhà nước phải thân thiện, tích cực và chủ động hỗ trợ doanh nghiệp. Để hội nhập thành công, cả doanh nghiệp và Nhà nước cần khát vọng, bản lĩnh, chuyên nghiệp, chuẩn mực và học hỏi, liên kết.                            

TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI):

AEC không tạo ra cái gì mới, nó chỉ có ý nghĩa về mặt thời điểm vì từ năm 2006, Việt Nam đã có quy định mở cửa hàng hóa. Giai đoạn 2009-2010, thị trường này đã mở cửa dần. Đến đầu năm 2015, Việt Nam đã xóa bỏ gần hết hàng rào thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, chỉ còn khoảng 7% hàng hóa nhập khẩu từ thị trường này phải chịu thuế và thời hạn đến năm 2018.