Gần 43.000 tỷ đồng "chôn" vào các dự án kém hiệu quả

ANTD.VN - Dù mới có 31,25% doanh nghiệp Nhà nước thực hiện rà soát, báo cáo về các dự án kém hiệu quả (250 doanh nghiệp) nhưng đã có tới 72 dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đánh giá có dấu hiệu thua lỗ với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng.

Dự án mở rộng nhà máy giấy Bãi Bằng giai đoạn 2 đầu tư không hiệu quả

Bộ KH-ĐT cho biết, với 14 dự án có dấu hiệu hoạt động kém hiệu quả, lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, đầu tư, mở rộng nhà máy hiện đang có số dự án hoạt động kém hiệu quả nhiều nhất. Các dự án này tuy ít về số lượng (chiếm 28% trong tổng số 72 dự án), nhưng tổng mức đầu tư rất cao, trên 29.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 68% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả). 

Đáng chú ý là các dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản như: dự án xây dựng khu đô thị của Công ty TNHH MTV Hà Thành; Dự án xây dựng khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng của Tổng Công ty Thành An tại quận Thanh Xuân, Hà Nội và dự án xây dựng khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng Thành An Tower tại 21 Lê Văn Lương, Hà Nội; Dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Sunshine Hill I và Sunshine Hill II của Tổng Công ty Thái Sơn. 

Cùng chung tình trạng thua lỗ nêu trên, Bộ KH-ĐT chỉ ra dự án Phóng vệ tinh viễn thông VINASAT-2 được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư nhằm phục vụ chiến lược dài hạn phát triển dịch vụ kinh doanh vệ tinh, bảo vệ nguồn tài nguyên vị trí quỹ đạo Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 5.462 tỷ đồng, được đưa vào vận hành từ năm 2012 nhưng tỷ lệ lấp đầy tại thời điểm hiện tại mới đạt 30%. Tính từ năm 2012 đến 2016, dự án lỗ 1.209 tỷ đồng. 

Tương tự, Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) có 8 dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả. Tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng của 8 dự án này là 11.081 tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng, danh sách các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ sẽ còn dài hơn nữa bởi lẽ thống kê trên mới chỉ được thực hiện một phần. 

Nếu so với tổng số doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện rà soát, báo cáo mới chỉ chiếm 31,25% tổng số doanh nghiệp (250 doanh nghiệp/800 doanh nghiệp phải thực hiện rà soát, báo cáo; có tính đến các công ty con do công ty mẹ là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ). “Bộ KH-ĐT nhận thấy đây là một tỷ lệ rất thấp, không đảm bảo được yêu cầu về chất lượng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ” - Bộ KH-ĐT cho hay.

Đề xuất hướng giải quyết thua lỗ cho các dự án này, Bộ KH-ĐT kiến nghị cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong việc quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án... tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. 

Đồng thời, cần sớm hình thành cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quyết định chủ trương đầu tư, thực hiện dự án dẫn tới sai phạm, thua lỗ, thất thoát, mất vốn. 

Trong từng lĩnh vực cụ thể, với nhóm dự án đầu tư thuộc lĩnh vực xây dựng bất động sản, cần thực hiện việc thoái vốn hoặc chuyển nhượng phần vốn góp tại các dự án đầu tư bất động sản theo nguyên tắc thị trường và bảo đảm không thất thoát. Đối với nhóm dự án đầu tư thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cần nghiên cứu tìm kiếm nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước để hình thành các doanh nghiệp dự án thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp không có nhà đầu tư quan tâm thì thực hiện quyết toán dự án và chuyển giao cho các đơn vị đủ năng lực thực hiện.