Gần 18.000 doanh nghiệp vào "tầm ngắm" cơ quan thuế

ANTD.VN - Thời gian qua, hàng loạt vụ phạm pháp liên quan đến mua bán hóa đơn giá trị gia tăng với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng đã được cơ quan công an phối hợp với cơ quan thuế Hà Nội phát hiện, xử lý. 

Gần 18.000 doanh nghiệp vào "tầm ngắm" cơ quan thuế ảnh 1Sắp tới, Hà Nội sẽ có hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế

Tiêu biểu như vụ Trần Hồng Yến (trú phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng đồng bọn đã mua bán bất hợp pháp hóa đơn giá trị gia tăng từ năm 2012 đến cuối 2016 với tổng số tiền khống lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là mua lại pháp nhân các công ty làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả để viết hóa đơn giá trị gia tăng bán cho các doanh nghiệp khác.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội, thời gian gần đây, số lượng những hành vi gian lận thuế có giảm đi song lại tinh vi hơn, đòi hỏi cơ quan thuế và cơ quan công an phải có những hình thức đấu tranh mới để đấu tranh.

Theo đại diện cơ quan thuế, để tăng cường hiệu quả trong phòng chống tội phạm gian lận thuế, một nội dung quan trọng là phải xác định ngay từ đầu những đối tượng doanh nghiệp cần “quan tâm đặc biệt” như doanh nghiệp thành lập ra có chủ doanh nghiệp ở địa phương khác; trụ sở tại ngõ ngách sâu; doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau mà không có kho tàng, bến bãi; doanh nghiệp thường xuyên chuyển địa điểm, có những dấu hiệu bất thường về doanh thu...

“Chúng tôi đã đưa những doanh nghiệp này vào diện theo dõi từ khâu in ấn hóa đơn cho đến khâu kê khai và phối hợp với các cơ quan công an trong việc cung cấp thông tin và hồ sơ doanh nghiệp để có những biện pháp nghiệp vụ điều tra, xử lý” - ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết.

Một trong những biện pháp quan trọng của ngành thuế để chống gian lận thuế là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện các vi phạm qua các tiêu chí rủi ro dựa trên hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp để rà soát đối với toàn bộ các doanh nghiệp kê khai thuế. Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng bộ tiêu chí rủi ro với 5 gói dữ liệu để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, Cục Thuế đã đưa ra danh sách 17.963 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về thuế.

“Trước khi thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại trụ sở của người nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội đã thông báo để doanh nghiệp điều chỉnh những sai sót. Trong trường hợp doanh nghiệp vẫn lặp lại những sai sót này, cơ quan thuế sẽ kiểm tra, xử lý và thanh tra. Với những doanh nghiệp có nhiều dấu hiệu rủi ro cao, sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để phối hợp xử lý” - ông Mai Sơn cho biết. Trong năm 2016, thông qua việc doanh nghiệp tự xác định lại mức thuế phải nộp, ngành thuế Hà Nội đã giúp ngân sách Nhà nước tăng thêm trên 300 tỷ đồng. 

Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra thì việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu “sạch” và đầy đủ về người nộp thuế là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành thuế đặt ra nhằm hỗ trợ tối đa trong việc nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. “Hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế sẽ sử dụng chung cho các cơ quan thuế, cơ quan công an, bắt đầu từ khâu thành lập doanh nghiệp cho đến giám sát hoạt động kê khai và xử lý để phát hiện kịp thời những rủi ro về thuế” - lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội khẳng định.