Đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt: Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

ANTD.VN - Theo bà Nguyễn Thị Đông - Tổng Giám đốc công ty CP Hoa Lan cho biết, doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn khi đưa hàng sản xuất tại Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước. 

Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng yêu thích

Chiều 8-12, Báo Hànộimới đã tổ chức tọa đàm trực tuyến "Để hàng Việt chinh phục người Việt Nam". Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản- Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội đã tới dự.

Chia sẻ về việc đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt, bà Nguyễn Thị Đông cho hay, từ năm 2009, doanh nghiệp này bắt đầu xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản. Sau đó, doanh nghiệp được vận động đưa hàng phục vụ người tiêu dùng trong nước.

Mặc dù xác định việc phục vụ người tiêu dùng Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp, nhưng khi thực hiện, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Cụ thể, cùng một sản phẩm hóa mỹ phẩm thiên nhiên, tại thị trường Nhật Bản có giá hơn 30 USD, trong khi giá bán tại thị trường Việt Nam chỉ 15.000 đồng/bánh xà phòng.

"Bán cho người tiêu dùng trong nước là chủ yếu là nông dân, giá cao không bán được. Chúng tôi tham gia các hội chợ rất tích cực nhưng đều bị lỗ"- bà Nguyễn Thị Đông nói.

Chưa kể, doanh nghiệp đặt nông dân sản xuất nguyên liệu, cung cấp giống, phân bón, tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, nhưng đến khi thu hoạch, người nông dân "lật kèo", bán cho doanh nghiệp nào trả giá cao hơn nên doanh nghiệp chịu thiệt. 

Tại thị trường trong nước, doanh nghiệp còn phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái. Vì vậy, công ty CP Hoa Lan mong muốn được hỗ trợ giải quyết khó khăn để đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng Việt Nam hơn.

Theo ông Lưu Hải Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải, để chinh phục người tiêu dùng trong nước, doanh nghiệp cần làm ra những sản phẩm để người Việt Nam tự dùng được.

"Khi chúng ta làm sản phẩm, cần xác định mặt hàng của mình không chỉ bán cho người Việt Nam mà còn có thể bán cho hàng tỷ người dùng trên thế giới. Doanh nghiệp nhỏ và vừa không nên sợ hãi mà cần đặt vị thế của mình ngang với các doanh nghiệp nước ngoài"- ông Lưu Minh Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Long - Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho rằng: "Để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển thương hiệu, luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu và thống nhất trong cách thể hiện từ nội bộ doanh nghiệp đến thị trường, nghiêm túc thực thi cam kết đưa ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Trên cơ sở đó, mới có thể xây dựng nền tảng vững chắc, bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh trước đối thủ và trên thị trường trong nước và quốc tế”.