Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: "Như bài văn mẫu, làm cho có"

ANTD.VN - Sáng nay (13-4) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Vẫn lúng túng tìm giải pháp giúp DNNVV phát triển

Việc lấy ý kiến dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV lần này được coi là rất quan trọng trước khi dự thảo Luật được trình Quốc hội vào tháng 5-2017.

Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV gồm 38 điều, trong đó đề ra 7 nội dung hỗ trợ cho các DNNNV, gồm: hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ, hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin và tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.

Góp ý cho dự thảo luật này, ông Phan Đăng Tuất - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay: “Đọc luật này tôi thấy quá buồn vì nó giống như một bài văn mẫu, làm cho có. Luật dài, hoành tráng nhưng không khả thi. Giả sử luật này có được ban hành, cũng không thể đi vào đời sống”.

Ông Phan Đăng Tuất đã chỉ ra các điểm bất cập của dự thảo này. Một là dự thảo Luật đề ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là vấn đề nhạy cảm, “kiêng kỵ” bởi lẽ sự hỗ trợ này dễ vi phạm cam kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia.

“Và nếu buộc phải hỗ trợ thì có quá nhiều chủ thể đứng ra hỗ trợ, gồm: Chính phủ, VCCI, hiệp hội, UBND các tỉnh, thành phố… Về 7 nội dung hỗ trợ (như nêu trên- PV), thì dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cũng không thể “đè” Luật tín dụng, Luật đất đai… nên 7 nội dung hỗ trợ này là vô dụng. Về mức hỗ trợ, với khoảng 97% quy mô nhỏ và vừa, tương đương khoảng 500.000 doanh nghiệp, tính ra mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ khoảng 10 triệu. Số tiền này quá nhỏ, chỉ bằng 2 vé máy bay đi lại giữa Hà Nội và Sài Gòn”- ông Phan Đăng Tuất nói.

Cũng theo vị này, DNNVV là tế bào kinh tế của đất nước, họ cần môi trường kinh doanh minh bạch, sòng phẳng, được bảo vệ trước hàng rào của FTA, trước việc thương lái ép giá và nhiều thủ tục hành chính chứ không cần được hỗ trợ.

Đồng quan điểm này, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho rằng, nên xem xét kỹ trước khi ban hành bởi DNNVV khó tiếp cận được sự hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, điều 29 của dự thảo Luật về trách nhiệm của VCCI, Hiệp hội DNNVV và các hiệp hội ngành nghề dễ gây cơ chế xin - cho, không bao quát được các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ, nhất là doanh nghiệp ở các địa phương.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cũng đồng tình, mặc dù góp ý dự thảo Luật này lần thứ tư, nhưng giống như đã “trót” có ý kiến ban hành rồi nên đành góp ý. 

Lắng nghe ý kiến góp ý của các hiệp hội, doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc thừa nhận: "Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đã quá tham vọng nên dẫn tới thất vọng".