Đơn hàng sụt giảm, dệt may trong cơn bĩ cực

ANTĐ - “Thà ăn cháo còn hơn nhịn đói” là tình trạng chung của không ít doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong 6 tháng qua. Thiếu vắng những đơn hàng lớn, doanh nghiệp phải cầm cự sản xuất bằng những hợp đồng nhỏ lẻ, “lung tung”. 

Các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với nhiều khó khăn

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng đầu năm 2016 đạt gần 10,85 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 13,2% trong tổng kim xuất khẩu của cả nước. Tỷ lệ tăng trưởng này thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Cụ thể, cùng kỳ năm 2013, con số này là 15,39%; năm 2014 là 16,4% và năm 2015 là 10,26%. Cùng với điện thoại di động, xuất khẩu dệt may được coi là điểm sáng, được đặt kỳ vọng giúp tăng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, bước sang năm 2016, xuất khẩu dệt may đã chững lại trông thấy do thiếu đơn hàng. Điển hình là trường hợp của công ty May Hưng Yên. Năm 2015, May Hưng Yên vẫn nằm trong “top” đầu doanh nghiệp dệt may sản xuất, xuất khẩu tốt nhất thì năm nay, May Hưng Yên phải “ăn đong” khi những công ty con của May Hưng Yên chưa đủ đơn hàng đến tháng 8-2016.

Ông Nguyễn Xuân Dương- Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP May Hưng Yên chia sẻ: “Đơn hàng đã ít, đối tác lại còn thường xuyên yêu cầu giảm giá. Giá đơn hàng giảm từ 10-15%, thậm chí có những đơn hàng giảm đến 20%. Ví dụ, một chiếc áo sơmi trước đây doanh nghiệp này làm với giá 1,8 USD nhưng nay chỉ còn 1,53 USD. Nhưng với tình thế hiện nay, ăn cháo còn hơn nhịn đói”.

Lý giải cho sự “khó thở” của các doanh nghiệp dệt may, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, lương tối thiểu tăng, chi phí vận chuyển, thủ tục kiểm tra chuyên ngành về hàm lượng formaldehyt… là những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Thêm vào đó, doanh nghiệp dệt may còn phải cạnh tranh với các đối thủ như: Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia khi những nước này đã có hàng loạt thay đổi về chính sách để hỗ trợ dệt may. 

Ví dụ, Ấn Độ giảm giá đồng Rupee 10%, giảm một loạt các loại thuế, đặc biệt là thuế nhập khẩu nguyên liệu chính như: xơ, sợi nguyên liệu từ 5% xuống 2,5%. Thuế thu nhập doanh nghiệp tại Bangladesh cũng giảm từ 35% xuống 20%, thuế nhập khẩu xơ lanh và sợi spandex giảm từ 10% xuống 5%. Với những lợi thế này, đơn hàng dệt may của Việt Nam đang dịch chuyển sang các thị trường Campuchia, Bangladesh và doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức.