Doanh nghiệp trả tiền để người dân dùng thêm điện

ANTD.VN - Đức vừa cho khánh thành một turbin điện gió lớn nhất thế giới tại thị trấn Gaildorf, dự án đưa Đức trở thành một quốc gia điển hình tiên phong trong cách mạng hóa nguồn năng lượng tái tạo. Và điều đặc biệt hơn cả là do thặng dư điện quá lớn, giới kinh doanh điện của Đức thậm chí phải trả tiền cho người dân và các doanh nghiệp để tiêu thụ lượng điện dư thừa.

Hướng phát triển từ năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện gió đã mang lại nhiều lợi ích kép đối với môi trường. Theo đánh giá từ các chuyên gia năng lượng, các trang trại điện gió trên toàn thế giới đã giúp giảm hơn 600 triệu tấn khí thải carbon dioxide độc hại hàng năm.

Do đó, các kỹ sư năng lượng sẽ thiết kế những turbin điện ngày càng lớn hơn, bởi khi các turbin điện gió càng lớn sẽ sản xuất ra lượng điện lớn hơn. Ví dụ, cứ tăng trung bình mỗi mét chiều cao của turbin thì lượng điện mà turbin điện gió tạo ra sẽ tăng từ 0,5 đến 1% mỗi năm. 

Doanh nghiệp trả tiền để người dân dùng thêm điện ảnh 1Chính phủ Đức đang lên kế hoạch phát triển hệ thống lưới điện sử dụng 100% năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2050

Hạng mục đầu tư “tham vọng nhưng hợp lý”

Tại thị trấn Gaildorf, một turbin điện gió mới được khánh thành do nhà sản xuất Max Bogl Wind AG lắp đặt cao tới 178m và nó sẽ đạt độ cao đỉnh lên tới 246,5m khi được lắp thêm các cánh quạt gió. Các turbin này sẽ tạo ra khoảng 10.500 MW/h điện mỗi năm, tương đương lượng điện đủ để cung cấp cho khoảng 10.000 hộ gia đình. Hơn nữa, trang trại gió ở Gaildorf không chỉ như những trang trại gió thông thường trên thế giới mà nó còn lần đầu tiên được xây dựng theo khái niệm nhà máy điện hoàn toàn mới - pin nước (hồ chứa nước) - một sự đổi mới công nghệ trong việc sản xuất năng lượng tái tạo từ gió.

“Đức đang tạo ra thị phần năng lượng tái tạo ngày một lớn hơn qua từng năm. Hệ thống này đang phát triển rất tốt”, Christoph Podewils, chuyên gia của Agora Energiewende cho biết. Hiện tại Chính phủ Đức đang lên kế hoạch phát triển hệ thống lưới điện sử dụng 100% năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2050. Được biết, chi phí cho dự án xây dựng các turbin điện gió trên khoảng 81 triệu USD, nhưng dự kiến mỗi năm Đức sẽ thu về doanh số bán điện khoảng 7,6 triệu USD. “Thị trấn của chúng tôi cũng như trong toàn bộ khu vực đang đầu tư vào tương lai theo hướng đi đầy tham vọng nhưng hợp lý. Với nhà máy điện gió đầy sáng tạo này, chúng tôi tự hào là người tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng - một bước đi quan trọng trong thời đại của chúng ta”, Frank Zimmermann, thị trưởng thị trấn Gaildorf nói.

Giá điện về mức “âm”

Tháng 5-2017 vừa qua, lần đầu tiên giá điện tiêu dùng tại Đức có sự biến động lớn và lần đầu tiên giá điện của nước này rơi vào ngưỡng “âm”. Vì khi lượng điện thặng dư cao, các nhà cung cấp điện của nước này phải trả tiền cho người tiêu dùng với một mục đích là “tiêu thụ hộ” lượng điện thặng dư đó. Theo Agora Energieende, một công ty chuyên nghiên cứu về năng lượng sạch cho biết, năm 2016, tổng lượng điện tái tạo của Đức chỉ khoảng 33%, nhưng năm nay năng lượng gió đã góp phần cải thiện hệ thống năng lượng tái tạo tại quốc gia này. 

Tại Đức, mặc dù nhiều nhà máy điện khí đã đóng cửa nhưng các nhà máy điện hạt nhân và than đá vẫn đang hoạt động. Do đó, để tiếp tục hoạt động họ phải trả tiền để bán số năng lượng bất ngờ dư thừa, và đương nhiên chính khách hàng, người tiêu dùng lại là người được hưởng lợi nhiều nhất. Một số chuyên gia nhận định, trong tương lai các nhà máy điện của Đức sẽ phải vật lộn để giữ được sự cân bằng giữa năng lượng được tạo ra và đang sử dụng. 

Theo Hiệp hội ngành công nghiệp BWE, các turbin gió trên đất liền chiếm 1/3 công suất điện lắp đặt của Đức và dự kiến nguồn điện thặng dư của nước này trong năm nay sẽ khoảng 9%, khi sản lượng điện gió ước tính đạt đỉnh 39.190 MW/h, tương đương sản lượng của 40 lò phản ứng hạt nhân. Năm nay, Đức cũng cho ngành năng lượng tái tạo xây dựng thêm các turbin gió ngoài khơi mà không cần sự cấp phép của nhà chức trách, không cần sự hỗ trợ.