Doanh nghiệp thỏa thuận định giá nhưng Luật Cạnh tranh không "xử" được

ANTD.VN - Ngày 10-5, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo hoàn thiện Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Được coi là "luật gốc" trong lĩnh vực cạnh tranh, bao trùm tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Luật Cạnh tranh hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, cứng nhắc

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Luật Cạnh tranh được ban hành từ năm 2004 đang bộc lộc nhiều điểm lạc hậu, cứng nhắc, không phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển của nền kinh tế. 

Nhiều hành vi phản cạnh tranh mới, đa dạng chưa được điều chỉnh và dự liệu trong Luật Cạnh tranh. Các hành vi hạn chế cạnh tranh mang tính tận thu, hoặc đóng cửa thị trường, loại bỏ đối thủ cạnh tranh được thực hiện dưới nhiều hình thức mới với mức độ tinh vi, phức tạp ngày càng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ và môi trường công nghệ, môi trường số.

Bộ Công Thương cho biết, trên thị trường hiện đã xuất hiện nhiều hành vi cạnh tranh như thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường tiêu thụ sản phẩm hay các giao dịch mua bán, sáp nhập được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng đã có những ảnh hưởng nhất định tới thị trường Việt Nam.

Chẳng hạn việc một số nhà sản xuất, phân phối và nhập khẩu hàng tiêu dùng có thể thỏa thuận ấn định giá xuyên biên giới để tăng giá bán tại thị trường nội địa Việt Nam (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh), gây tác động bất lợi tới người tiêu dùng và các doanh nghiệp không trực tiếp tham gia vào thỏa thuận đó.

Nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (tập trung kinh tế) có giá trị giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động tới thị trường Việt Nam như: Thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam…

Thực tế trên cho thấy cần có sự can thiệp và điều chỉnh của cơ quan cạnh tranh và việc sửa đổi Luật Cạnh tranh là cần thiết để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế.