Thị trường xăng dầu:

Doanh nghiệp nước ngoài sẽ tham gia phân phối?

ANTĐ - Mặc dù còn những rào cản đối với việc thương nhân nước ngoài tham gia phân phối, bán lẻ xăng dầu ở thị trường trong nước, nhưng một số doanh nghiệp nước ngoài đã bắt đầu thăm dò đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. 

Doanh nghiệp nước ngoài sẽ tham gia phân phối? ảnh 1

Thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ cạnh tranh hơn khi có doanh nghiệp nước ngoài tham gia phân phối

Doanh nghiệp ngoại “nhảy” vào thị trường

Theo thông tin từ trang web của Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật Bản),  doanh nghiệp này cùng một đối tác khác là Kuwait Petroleum International (Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait - KPI) vừa cùng thành lập liên doanh, lấy tên là Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 với mục đích phân phối các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam. Tại liên doanh này, mỗi bên góp vốn 50%.

Idemitsu Kosan cho biết, hiện Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 đã nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam và đang xin đăng ký doanh nghiệp. Tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp này có mục tiêu thúc đẩy hoạt động bán lẻ và bán buôn sản phẩm dầu khí chủ yếu thông qua việc xây dựng và quản lý các trạm dịch vụ trên toàn quốc. Nếu được chấp nhận, Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 sẽ là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên gia nhập thị trường xăng dầu Việt Nam. 

Trên thực tế, lĩnh vực dầu khí tại Việt Nam đã có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài từ lâu. Cả 2 đối tác trong liên doanh dầu khí này là Idemitsu Kosan và KPI đều là cổ đông tại Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cùng với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Tuy nhiên, ở lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, hiện chưa có bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào tham gia.

Đáng chú ý, Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đang có hiệu lực chỉ cho phép thương nhân Việt Nam được quyền phân phối, bán lẻ xăng dầu trên lãnh thổ Việt Nam. 

Theo các chuyên gia, thị trường xăng dầu Việt Nam gần đây đã cạnh tranh hơn khi có đến 23 thương nhân đầu mối và 69 thương nhân phân phối. Tuy nhiên, thị phần lớn nhất vẫn thuộc về Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Một chuyên gia trong ngành kinh doanh xăng dầu cho rằng, dù muốn hay không thì theo các cam kết của Việt Nam tại các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, tới năm 2018-2019, thị trường bán lẻ xăng dầu nước ta sẽ phải mở cửa. Khi đó, doanh nghiệp nước ngoài sẽ xuất hiện nhiều hơn, bằng cách đầu tư trực tiếp hoặc mua lại hệ thống cửa hàng xăng dầu sẵn có của doanh nghiệp trong nước. 

Ngại gì mở cửa?

Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng chia sẻ, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu vào Việt Nam để thăm dò, điều tra thị trường bán lẻ xăng dầu nhằm dọn đường cho thương nhân của họ khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn lĩnh vực bán lẻ. Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 được cho là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên trong số đó lựa chọn thị trường Việt Nam.

Bình luận về vấn đề này, GS. TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, nếu có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ xăng dầu thì thị trường này sẽ tăng sức cạnh tranh. Những mặt trái của thị trường xăng dầu sẽ dần được khắc phục.

“Cam kết mở cửa kinh doanh xăng dầu chậm hơn các lĩnh vực khác, Nghị định 83/NĐ-CP chưa đề cập đến việc mở cửa cho thương nhân nước ngoài phân phối, bán lẻ xăng dầu nhưng vấn đề này nên được xem xét, bổ sung cho phù hợp” - ông Đặng Đình Đào nói. Vị chuyên gia này cũng lưu ý, cần có biện pháp quản lý tốt doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, để tránh các trường hợp gian lận, trốn thuế như trước đây.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, không có lý do gì để cản trở doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào phân phối, bán lẻ xăng dầu ở nước ta. “Sản phẩm tốt, chất lượng tốt để phục vụ người dân và Nhà nước lại thu thêm được thuế thì không có gì để từ chối. Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu chỉ là một bước quá độ với sự cạnh tranh chưa triệt để, do vậy cũng cần chỉnh sửa” - ông Nguyễn Minh Phong bình luận.

Theo đại diện của Bộ Công Thương, doanh nghiệp nước ngoài có thể được quyền tham gia phân phối, bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam theo các hiệp định với điều kiện đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 83/NĐ-CP như: dự trữ lưu thông, kho bãi, đại lý… Song hiện nay, hệ thống này đã cơ bản hoàn thiện nên doanh nghiệp nước ngoài sẽ gặp không ít khó khăn…