Doanh nghiệp nhà nước tự vay phải tự trả

ANTD.VN -  Sáng nay 23-11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), với 421/438 đại biểu tán thành thông qua. 

Kết quả biểu quyết Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) 

Sau khi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), các ĐB đã ấn nút biểu quyết thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công. Nợ công quy định tại Luật bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

Trong Luật cũng quy định rõ, nợ Chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ. Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ do doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước vay được Chính phủ bảo lãnh.

Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ phát sinh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay. Vay là quá trình tạo ra nghĩa vụ nợ thông qua việc ký kết và thực hiện hiệp định, hợp đồng, thỏa thuận vay (sau đây gọi chung là thỏa thuận vay) hoặc phát hành công cụ nợ.

Vay ODA là khoản vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài hoặc ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc. Vay ưu đãi nước ngoài là khoản vay nước ngoài có điều kiện ưu đãi hơn so với vay thương mại nhưng thành tố ưu đãi chưa đạt tiêu chuẩn của vay ODA.

Vay thương mại là khoản vay theo điều kiện thị trường. Thành tố ưu đãi là tỷ lệ phần trăm giá trị danh nghĩa của khoản vay phản ánh mức ưu đãi của vốn vay nước ngoài được tính toán trên cơ sở các yếu tố về đồng tiền, thời hạn vay, ân hạn, lãi suất, phí và chi phí khác với tỷ lệ chiết khấu tương ứng lãi suất vay của Chính phủ Việt Nam trên thị trường tại thời điểm tính toán.

Đặc biệt, công cụ nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu Kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc làm phát sinh nghĩa vụ nợ. Trái phiếu Chính phủ là công cụ nợ do Chính phủ phát hành để huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc cơ cấu lại nợ. Trái phiếu chính quyền địa phương là công cụ nợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát hành để huy động vốn cho ngân sách địa phương…

Trước đó, thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) vào chiều ngày 3-11, tham gia đóng góp ý kiến về sự thảo luật sửa đổi lần này, nhiều ĐBQH vẫn không khỏi băn khoăn về một số nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1).

Một số ý kiến cho rằng, cùng là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhưng quy định như khoản 2, Điều 1, dự thảo luật có nghĩa các khoản vay theo cơ chế khác lại không được tính vào phạm vi điều chỉnh của dự án luật.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong trường hợp doanh nghiệp khó khăn, rủi ro do thiên tai, không trả nợ được, thì người trả nợ cuối cùng vẫn là nhà nước. Do đó, ĐBQH đề nghị, Ban soạn thảo cần xem xét kỹ lưỡng hơn việc loại bỏ khoản nợ này của DNNN ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, “việc không đưa nợ tự vay, tự trả của DNNN vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là cần thiết”. Nghĩa vụ nợ do DNNN tự vay, tự trả tức là nhà nước không vay, không bảo lãnh, nên không đủ nghĩa vụ của nợ công. DNNN là DN cổ phần, khi không đủ khả năng trả nợ sẽ xử lý bằng tài sản bảo đảm. Trường hợp xấu phải phá sản thì nhà nước chỉ mất trong phạm vi vốn điều lệ, không chịu gánh nặng trả nợ.

Đối với vấn đề quản lý nợ công, đa số các đại biểu tán thành với việc quy định theo hướng thống nhất đầu mối quản lý nợ công như giải trình của UBTV Quốc hội. Bên cạnh đó, một số ĐB cũng có ý kiến đề nghị xác định cụ thể trần nợ công, nợ Chính phủ; bổ sung tiêu chí, phương pháp để tính các chỉ tiêu an toàn nợ công/GDP, nợ của Chính phủ/GDP.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo luật quy định mức trần nợ công so với GDP, nợ của Chính phủ/GDP là các chỉ tiêu nằm trong hệ thống các chỉ tiêu an toàn về nợ công do Quốc hội quyết định, không quy định mức trần của các chỉ tiêu này trong luật…Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định của Dự thảo luật đã trình Quốc hội.