Doanh nghiệp làm đúng vẫn phải có phí "bôi trơn"

ANTD.VN - Lo ngại bị bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục quyết toán, thanh tra, kiểm tra thuế, nhiều doanh nghiệp làm đúng vẫn phải có khoản phí “bôi trơn”. Ý kiến của doanh nghiệp được chia sẻ tại hội nghị đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2016, diễn ra sáng 7-3.

Doanh nghiệp cho rằng thủ tục thuế cần đơn giản hơn nữa

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cuộc khảo sát về thủ tục hành chính thuế năm 2016 thu được phản hồi của gần 3.500 doanh nghiệp. Nhìn chung, thủ tục hành chính thuế đã có nhiều cải cách tích cực như: thủ tục thuế điện tử, tìm hiểu thông tin thuế dễ dàng và đầy đủ hơn, thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng được rút ngắn… Bên cạnh đó, cán bộ thuế đã có thái độ thân thiện, tích cực hơn khi làm việc với doanh nghiệp. So với cuộc khảo sát năm 2014, mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính thuế đã tăng từ 71/100 điểm lên 75/100 điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm cải cách đáng kể nêu trên, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi làm việc với cơ quan thuế. Trong việc tiếp cận thông tin thuế, các mẫu biểu báo cáo thường hay thay đổi, gây mất thời gian cập nhật mẫu cho các phần mềm kế toán. Đáng chú ý, biểu mẫu Quyết toán, sổ sách gần đây thay đổi khiến nhiều doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí. “Chỉ cập nhật theo thông tư mới mà riêng công ty phần mềm X đã thu thêm phí cho 1 phiên bản là 5 triệu đồng. Cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp cần phải cập nhật nên tốn kém khoản tiền rất lớn”- báo cáo của VCCI cho biết.

Một số ý kiến doanh nghiệp cho rằng thủ tục hoàn thuế làm mất nhiều thời gian nên nhiều doanh nghiệp không dám làm, sợ đọng vốn quá lâu gây khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp.

Về thanh tra, kiểm tra thuế, thái độ của cán bộ đã tích cực, thân thiện hơn. Tuy nhiên, năm 2016, 24% doanh nghiệp cho rằng nội dung thanh tra kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, 21% niên độ kiểm tra trùng lắp; 36% cán bộ thuế suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp; 34% phải chi chi phí không chính thức trong các lần kiểm tra thuế, tăng 2% so với cuộc điều tra năm 2014.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cần lập kế hoạch thanh tra kiểm tra định kỳ 3-5 năm/lần đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, nâng cao đạo đức nghề nghiệp đối với công chức thuế. “Cán bộ thuế chỉ tìm ra lỗi để xử phạt, đề nghị cán bộ thuế phải hướng dẫn cho doanh nghiệp cách khắc phục, sửa chữa; Luân chuyển cán bộ kiểm tra, thanh tra kèm theo phiếu điều tra độc lập sau  kiểm tra thanh tra về thái độ làm việc của cán bộ thuế, có hình thức xử lý kỷ luật công khai. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường các thủ tục thuế điện tử”- một doanh nghiệp kiến nghị.