Năng suất, chất lượng thấp:

Doanh nghiệp khó tồn tại

ANTĐ - Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Nguyễn Quân tại sự kiện “20 năm giải thưởng chất lượng quốc gia” diễn ra chiều ngày 5-1. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, năng suất, chất lượng là sự sống còn của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng.

Doanh nghiệp khó tồn tại ảnh 1

Năng suất, chất lượng quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp

Tủi thân vì thua kém

Chia sẻ câu chuyện liên quan đến năng suất, chất lượng các ngành của Việt Nam nói chung, đại diện Công ty Cổ phần May 10, ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết: “Chúng ta cho rằng năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/15   Singapore, 1/11 của Nhật Bản, nghe mà thấy tủi thân quá!”. Theo đại diện doanh nghiệp này, để người Việt Nam đỡ tủi thân thì cần có cách nhìn toàn diện hơn về xếp hạng nêu trên.

“Xếp hạng này các quốc gia tính trên GDP, mà giá trị gia tăng của các quốc gia khá cao, nên ta đứng sau họ đến mười mấy lần là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu tính năng suất lao động dựa trên số sản phẩm làm được theo ngày, theo giờ thì năng suất lao động của Việt Nam không kém xa các nước như vậy” - ông Nguyễn Xuân Hòa nói.

Thừa nhận năng suất lao động trong ngành may mặc còn khá thấp, nhưng đối với trường hợp cụ thể là tại Công ty Cổ phần May 10 thì lãnh đạo này cho rằng: “Không thấp lắm. May 10 là đơn vị duy nhất có Phòng Nghiên cứu tổ chức cải tiến sản xuất, nghĩa là việc cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm được tính đến % của giây. Chẳng hạn như sản phẩm phải đặt ở góc bao nhiêu độ để đưa vào máy cho nhanh, sau đó sẽ tiến hành đào tạo công nhân làm theo chuẩn đó” - đại diện Công ty Cổ phần May 10 cho biết thêm. 

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết: “Các xếp hạng mới chỉ ra, đến năm 2059 năng suất lao động của Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan hiện tại. Cho dù thông tin này chưa toàn diện, nhưng năng suất lao động của chúng ta thấp hơn các nước là một thực tế vì trình độ sản xuất, trình độ công nghệ, tay nghề của người lao động Việt Nam thua kém các nước. Chúng ta có hệ thống các trường đào tạo nghề, nhưng tỷ lệ lao động có chứng chỉ đào tạo không những thấp hơn so với các nước khác mà chất lượng đào tạo của ta cũng thua kém”.

Về chất lượng sản phẩm, lãnh đạo Bộ   KH-CN cho rằng, chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam còn quá nhiều vấn đề, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng… tràn lan.

Bộ trưởng Bộ KH-CN nhấn mạnh: “Năng suất và chất lượng quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vào thời điểm hiện tại rất có ý nghĩa vì Việt Nam đã trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA)”.

Kích thích doanh nghiệp tự đổi mới

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, đổi mới, sáng tạo chính là cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng, tiến tới nền sản xuất hiện đại, bởi vì nó gắn kết giữa khoa học công nghệ và giáo dục, đào tạo. Đặc biệt, doanh nghiệp và cơ quan quản lý giữ vai trò trung tâm trong việc đổi mới sáng tạo này. 

Đại diện Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, nhờ việc chú trọng nâng cao năng suất lao động mà mỗi năm, doanh nghiệp này tiết kiệm được từ 500-700 tỷ đồng chi phí. Số tiền này được doanh nghiệp sử dụng vào việc nâng cao công suất nhà máy theo nhu cầu của thị trường. 

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Đặng Huy Đông thì cần tạo ra cơ chế kích thích doanh nghiệp tự đổi mới, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm. Ông Đặng Huy Đông lấy ví dụ, gần đây, mua sắm công có nhu cầu về sản phẩm lò đốt rác nông thôn và lò đốt rác y tế. Hàng chục nhà cung ứng trong và ngoài nước đã giới thiệu sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau.

Bộ KH-ĐT cùng các bộ, ngành đã lập một hội đồng chấm điểm sản phẩm để lựa chọn theo cách thức: Trước hết sản phẩm phải được công nhận về sở hữu trí tuệ; hai là sản phẩm xử lý rác phải vượt qua được chứng chỉ xử lý sạch khí thải, đặc biệt là dioxin. Tiếp theo là tiêu chí giá rẻ nhất.

“Chúng tôi chọn sản phẩm tốt nhất đến thời điểm hiện tại để không tạo độc quyền, từ đó tạo sự cạnh tranh về công nghệ trong nước. Quy trình tuyển chọn được công khai trên mạng. Doanh nghiệp nào muốn chứng minh sản phẩm của mình tốt hơn thì chúng tôi tạo điều kiện. Làm như vậy vừa không tạo độc quyền lại tạo môi trường để doanh nghiệp liên tục thay đổi, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tránh được tình trạng hàng hóa Việt Nam được nước ngoài công nhận chất lượng nhưng trong nước lại chưa công nhận. Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp công bố chất lượng sản phẩm tốt hơn. Từ đó, sản phẩm Việt Nam mới ra các nước trên thế giới. Đổi mới sáng tạo xuất phát từ cá nhân, còn hành động là của tập thể. Doanh nghiệp mong muốn nâng cao năng suất, chất lượng, nhất định phải đổi mới, sáng tạo” - Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông khẳng định.