Doanh nghiệp chê hải quan "điện tử nửa vời"

ANTD.VN - "Các nước từ điện tử tới điện tử, Việt Nam thì từ điện tử tới giấy, rồi từ giấy lại tới điện tử". Đó là nhận xét của doanh nghiệp về tình trạng “điện tử nửa vời” của ngành hải quan trong các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Tại Hội thảo tham vấn dự thảo nghị định về cơ chế một cửa về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sáng nay 17/5 tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh những bất cập khi thực hiện các thủ tục hải quan điện tử.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) cho rằng, một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao tại dự thảo nghị định về cơ chế một cửa về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là quy định rõ ràng hơn về chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan khi tham gia cổng thông tin một cửa quốc gia.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại phản ánh gặp phải những tình huống điện tử… nửa vời. Tức là khi doanh nghiệp có kết quả kiểm tra chuyên ngành, đơn vị phải thông báo tới ngành hải quan về kết quả này, có thể phải in kết quả ra giấy hoặc gọi điện. “Khi đã có hệ thống điện tử rồi nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn phải làm công việc như trên” – bà Thủy đặt câu hỏi.

Cũng theo bà Thủy, dự thảo chỉ quy định kết nối giữa cổng thông tin một cửa quốc gia và các cơ quan quản lý chuyên ngành, từ đó, hải quan có trách nhiệm ra quyết định thông quan. Trong khi đó, không có điều khoản nào quy định về kết nối giữa cổng thông tin một cửa quốc gia và chính ngành hải quan.  Điều này được bà Thủy ví như “chạy một đường dây điện cao thế nhưng phần dây kết nối cho người dân thì thiếu”.

Do đó, bà Thủy cho rằng cần có quy định rõ ràng kết nối giữa các cơ quan, trong đó bao gồm cả ngành hải quan để kết quả được kết nối tự động. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới có thể hoàn toàn ngồi một nơi, vào cổng thông tin một cửa là giải quyết được toàn bộ vấn đề.

Nhiều thủ tục hải quan điện tử vẫn chưa có sự liên kết, khiến doanh nghiệp gặp khó

Cùng với đó, bà Thủy cũng cho biết, mặc dù đã có Cổng thông tin một cửa quốc gia nhưng nhiều khoản phí chưa được kết nối vào cơ sở dữ liệu.

Bà Thủy lấy ví dụ tại cảng Hải Phòng, doanh nghiệp phải nộp phí cửa khẩu cảng biển và nhiều khoản phí khác tại đây. Những khoản phí này không hề liên kết với hệ thống một cửa, vì thế, doanh nghiệp phải nộp thủ công rồi mới tiếp tục thực hiện thủ tục trên cổng thông tin một cửa quốc gia. 

“Các nước từ điện tử tới điện tử, Việt Nam thì loạn cả lên, từ điện tử tới giấy, rồi từ giấy lại tới điện tử” - bà Thủy nói.

Trong khi đó, đại diện Công ty Chuyển phát nhanh UPS Việt Nam cho biết, hiện sau khi mang hàng tới cơ quan chức năng kiểm định, doanh nghiệp phải đợi xem việc phân công kiểm tra của cơ quan kia ra sao, rồi tới khâu kiểm tra thực hiện như thế nào, kết quả có hay chưa. Thời gian đợi chờ này khiến doanh nghiệp mất nhiều công hỏi xem hàng hóa đang ở giai đoạn nào.

Do vậy, đại diện doanh nghiệp bày tỏ mong muốn rút ngắn thời gian kiểm định hàng hóa và thông báo rõ ràng từng khâu kiểm tra để doanh nghiệp nắm được.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình thừa nhận, một số quy định về kiểm tra chuyên ngành vẫn chồng chéo, xung đột, phải thực hiện nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành, gây phiền hà.

Việc chuẩn hóa quản lý danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành theo ông là chậm, nhiều mặt hàng thậm chí còn chưa được gắn mã. Việc này khiến chưa thể ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết hết các thủ tục.