Điểm mặt, chỉ tên vi phạm quảng cáo (2): Bỏ trống cả một "mặt trận"

ANTD.VN - Theo thông tin từ Sở VH-TT Hà Nội, ngay sau khi Tổ thanh tra liên ngành làm việc với UBND các quận, huyện và gửi công văn chỉ rõ sai phạm cũng như hướng xử lý sai phạm, nhiều cơ sở kinh doanh đã tự tháo dỡ và rút gọn kích cỡ biển hiệu. 

Điểm mặt, chỉ tên vi phạm quảng cáo (2): Bỏ trống cả một "mặt trận" ảnh 1Biển quảng cáo Kangaroo phía trước UBND quận Cầu Giấy, từng bị Thanh tra Sở VH-TT ra quyết định xử phạt và yêu cầu tháo dỡ, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn còn nguyên. Ảnh: LAM THANH

Luật có, hướng dẫn thì chưa

Ông Nguyễn Khoa Trung, Phòng Quản lý đô thị quận Long Biên cho biết, hiện tại phòng không nhận được bất cứ hồ sơ xin cấp phép nào và đương nhiên cũng chưa cấp phép xây dựng cho bất kỳ công trình quảng cáo nào từ trước tới nay.

Ông Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy cho biết thêm, quận cũng chưa cấp phép xây dựng cho công trình quảng cáo nào. Bởi lẽ, bộ phận một cửa có tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp thì cũng không căn cứ trên văn bản hướng dẫn nào để thực hiện cả. Việc “không biết thế nào mà cấp phép” đang diễn ra tại đa số các quận huyện.

Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy cũng thừa nhận nội dung kiểm tra cấp phép xây dựng các biển, bảng quảng cáo chưa từng được đề cập trong các cuộc giao ban làm việc của bộ phận này. Theo đại diện Thanh tra Xây dựng quận Cầu Giấy thì không có điều khoản về cấp phép xây dựng trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quảng cáo. “Bao nhiêu năm làm công tác này có ai đề cập đến đâu. Cũng chưa từng thấy đưa chuyện này ra thảo luận tại các cuộc giao ban chuyên môn”, cán bộ này cho biết.

Cách đây vài năm, UBND quận Cầu Giấy cũng từng gặp phải chuyện, một doanh nghiệp làm hồ sơ xin cấp phép xây dựng biển quảng cáo, bộ phận một cửa khi đó không dám tiếp nhận vì quy định dẫm chân nhau, không hiểu là phải cấp giấy phép xây dựng biển trước rồi mới cấp thỏa thuận nội dung hay ngược lại.

Cũng trong đợt kiểm tra này, nhiều cán bộ cơ sở đã đề xuất UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng có những hướng dẫn cụ thể. Năm 2012 Luật Quảng cáo ra đời và đi vào cuộc sống, 5 năm sau vẫn lúng túng không biết quy trình cấp phép xây dựng biển quảng cáo thế nào. Việc xử lý vi phạm cũng trở thành một bài toán nan giải, vì thanh tra văn hóa chỉ có thể phạt về nội dung, thanh tra xây dựng thì không biết có vi phạm hay không để xử phạt.

Siết chặt quản lý khắc vào quy củ

Tháng 11-2016 xảy ra vụ cháy quán karaoke 168 Trần Thái Tông, Cầu Giấy khiến 13 người thiệt mạng. Sự việc đau xót này cho đến hôm nay vẫn là một bài học trong quản lý, đặc biệt về biển hiệu, biển quảng cáo quá kích cỡ, bịt lối thoát nạn.

Theo thông tin từ một số quận trên địa bàn, các cơ sở kinh doanh đã tiến hành hạ diện tích biển hiệu. Thế giới di động tại 146 Kim Mã hạ diện tích từ 88,8m2 xuống còn dưới 20m2. Ngoài cơ sở 146 Kim Mã, hiện nay trên địa bàn thành phố đã có một vài cơ sở kinh doanh hạ diện tích biển vi phạm về đúng quy định cho phép, như cơ sở kinh doanh số 500 Xã Đàn (Đống Đa) và 58 Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy). 

Sau sự việc đau lòng kể trên, UBND quận Cầu Giấy đã sâu sát chỉ đạo, siết chặt các loại hình quảng cáo ở cơ sở kinh doanh karaoke, khách sạn. Vì thế, cho đến nay 100% cơ sở kinh doanh karaoke (85 cơ sở) và hơn 300 khách sạn, nhà hàng massage đều tuân thủ đúng quy định về kích thước biển hiệu.

Điều đó chứng tỏ, biển bảng quá khổ không phải là không thể tháo dỡ, đưa về đúng quy chuẩn, mà chỉ là chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt mà thôi. 

Theo báo cáo của UBND quận Hà Đông, thời gian gần đây, UBND quận đã ra 6 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo với tổng số tiền phạt lên tới 254 triệu đồng. Quận Hà Đông cũng ra quyết định phạt hành chính 50 triệu đồng đối với cửa hàng “Thế giới di động” ở Phú Lãm. Sau đó cửa hàng đã tự hạ chiều cao biển quảng cáo đúng theo quy định. 

Nhận định về mức xử phạt, ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VH-TT Hà Nội cho rằng, mức phạt hành chính hiện nay còn quá nhẹ. Vào tháng 5 tới đây khi Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 131/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thì mức phạt mới được nâng lên.

Nói theo cách của ông Bùi Minh Hoàng thì chúng ta đang bỏ trống cả một “mặt trận”, gần như không ai quan tâm, trong khi biển quảng cáo là vật liệu dễ cháy, phơi dưới trời mưa nắng, dễ dẫn để sự cố cháy nổ. Nhãn tiền cho thấy, nó còn là vật cản trong quá trình cứu hộ cứu nạn của các lực lượng chức năng.

Vì thế giải quyết triệt để vi phạm sớm chừng nào tốt chừng ấy. Điều đáng nói là Luật Quảng cáo đã có, thế nhưng việc cấp phép xây dựng biển quảng cáo lại hoàn toàn thụ động. Ông Bùi Minh Hoàng nhấn mạnh, luật ra đời và đi vào cuộc sống, chủ thể liên quan phải chấp hành. 

Dự kiến, ngay sau đợt kiểm tra, Sở VH-TT Hà Nội sẽ tổ chức gặp mặt một số doanh nghiệp quảng cáo trên địa bàn nhằm khẳng định chủ trương thống nhất quy chuẩn biển hiệu, bên cạnh đó cũng lắng nghe tâm tư nguyện vọng, những khó khăn của doanh nghiệp, vừa để kịp thời tháo gỡ, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.