Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Vắng bóng doanh nghiệp lớn

ANTĐ - Được kỳ vọng sẽ  tạo ra sân chơi sòng phẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, tăng hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường nhưng sau hơn 3 năm quy định có hiệu lực, việc triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản vẫn chưa thể thực hiện. 
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Vắng bóng doanh nghiệp lớn ảnh 1

 Các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”

Siết chặt năng lực tài chính

Trong những năm qua, thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, tình trạng khai thác khoáng sản được thực hiện một cách ồ ạt nhưng ngân sách Nhà nước thu được không đáng kể.  Nhằm loại bớt doanh nghiệp có năng lực yếu kém, sử dụng công nghệ khai thác lạc hậu, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi công cộng cho các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản, chính sách về khoáng sản đã được điều chỉnh với việc áp dụng quy định về đấu giá và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. 

Với quy định mới, các doanh nghiệp muốn khai thác khoáng sản sẽ phải bỏ ra một khoản tiền lớn. Cùng với đó, doanh nghiệp phải có kinh nghiệm khai thác và cam kết công nghệ chế biến, qua đó, sẽ giảm những tác động xấu tới môi trường. Việc thực hiện quy định mới cũng giúp xóa bỏ cơ chế xin - cho trước đây, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đủ năng lực. 

Cũng có nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp cho rằng, với quy định mới, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải đóng cửa. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, có khoảng 20 - 30% doanh nghiệp không đủ điều kiện tham gia đấu giá do không đủ năng lực tài chính. Thực tế, khai thác khoáng sản là hoạt động chịu nhiều rủi ro vì tài nguyên nằm dưới lòng đất, nếu doanh nghiệp không có chuyên môn sẽ không thể biết quặng phân bố như thế nào. Chính vì vậy, hoạt động khai thác khoáng sản đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực tài chính để đầu tư dài hạn.

Bên cạnh yêu cầu khắt khe về tài chính, quy định mới cũng có những điểm hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ tự bỏ vốn ra để thuê công ty tư vấn, thăm dò lại dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo tính khách quan, chính xác. Căn cứ trên cơ sở trữ lượng thăm dò lại, cơ quan có thẩm quyền sẽ phê duyệt lại và điều chỉnh lại tiền cấp quyền khai thác.

Chưa thể đấu giá 

Sau hơn 3 năm quy định có hiệu lực, quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1 năm 2015 đã được đưa ra. Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản Bộ TN-MT đã bán hồ sơ đấu giá 4 khu vực gồm: mỏ sắt tại Khe Bằng, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; mỏ Metacacbonat (đá ốp lát và đá cảnh) tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; mỏ vàng tại xã Xà Khía, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình và mỏ Fluorit tại xã Bình Đường, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Theo kế hoạch, việc thực hiện đấu giá phải diễn ra vào tháng 7 năm 2015. 

Đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT) cho biết, sau khi bán hồ sơ đấu giá, cơ quan này đã nhận được đăng ký của các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, vẫn chưa triển khai đấu giá được do chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. “Mỗi mỏ chúng tôi thu về được 3 hồ sơ, đủ số lượng theo quy định. Nhưng khi đối chiếu với quy định về vốn chủ sở hữu tối thiểu phải có do Bộ Tài chính đề nghị (lớn hơn 50 tỷ đồng) thì tất cả các tổ chức, cá nhân đều chưa đáp ứng được. Chính vì vậy, chúng tôi chưa thể tổ chức phiên đấu giá”, đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thông tin.

Ông Trần Hồng Hà - Thứ trưởng Bộ TN-MT nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp của chúng ta quá nhỏ, không đủ năng lực tài chính theo quy định. Nếu vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ít hơn 50 tỷ đồng sẽ gặp nhiều khó khăn khi đầu tư, khai thác mỏ trong vòng 30-40 năm”.

“Đây không phải là thất bại mà chính là thành công bởi đã loại bớt các doanh nghiệp nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Đây là cơ chế để chọn lựa, sàng lọc các doanh nghiệp có đủ năng lực”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.