Đã đến lúc phải cấm xuất khẩu than

ANTĐ - Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa nhập khẩu trên 41.000 tấn than từ Cộng hòa Liên bang Nga. Đây được xem là bước thử nghiệm cho kế hoạch sẽ nhập về hàng chục triệu tấn than một năm trong thời gian tới. 

Thông tin này đã làm dư luận bất ngờ, bởi trong hơn chục năm qua, mỗi năm chúng ta đã xuất khẩu hàng chục triệu tấn than, thậm chí xuất khẩu với giá thấp để bây giờ đứng trước viễn cảnh tài nguyên than đá cạn kiệt, phải tính đường đi mua. Cay đắng hơn nữa, Vinacomin lại còn công bố kế hoạch dài hơi để sau năm 2020 có thể nhập khẩu 40-50 triệu tấn than mỗi năm. Phải chăng chúng ta đã tự cắt thịt mình để bán trong những năm qua, để bây giờ hối tiếc không kịp. Có gì bất cập trong khai thác và xuất nhập khẩu than?

Đã đến lúc phải cấm xuất khẩu than ảnh 1

Khủng khiếp khai thác than

Theo tính toán đến năm 2020, nghĩa là chỉ 5 năm nữa, với số lượng khoảng 20 nhà máy nhiệt điện chạy than, và gần 100 nhà máy xi măng các cỡ, cùng nhu cầu luyện thép và các ngành năng lượng khác, thì mỗi năm cả nước cần tới trên 60-70 triệu tấn than các loại. Trong khi đó, các mỏ than của chúng ta đang cạn kiệt. Vừa rồi, Vinacomin đưa ảnh một mỏ than lộ thiên đã bắt đầu khai thác ở độ sâu 300m dưới mực nước biển. Bức ảnh không gợi lên sự kính phục mà gợi lên sự kinh hãi vì sự tận thu tài nguyên trong những năm qua.

Trong năm 2011, chúng ta đã xuất khẩu 17 triệu tấn than với giá trị 1,6 tỷ USD. Năm 2012, chúng ta xuất khẩu 15,2 triệu tấn thu được 1,21 tỷ USD. Năm 2013 chúng ta đã xuất khẩu 12,8 triệu tấn, trị giá xuất khẩu là gần 916 triệu USD. Nhưng đó chỉ mới tính con số xuất khẩu chính thức, có thống kê được. Tình trạng khai thác lậu, xuất lậu than khu vực Quảng Ninh từ trước tới nay đã rất nhức nhối và không thể thống kê được. Gần đây, cảnh sát biển đã bắt nhiều tàu chở than lậu xuất khẩu, có tàu chở tới 3000 tấn là một ví dụ. Lưu ý, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu than lớn nhất của chúng ta, tới trên 60% hàng năm. Tính trung bình trong 5 năm qua chúng ta khai thác khoảng trên 40 triệu tấn than mỗi năm. Chỉ cần nhìn lượng than xuất khẩu mỗi năm một giảm, chúng ta đã thấy trữ lượng than của chúng ta đang giảm nghiêm trọng. Nhưng còn quan trọng hơn là hiệu quả của khai thác than. Cho đến tháng 5/2014, khi giá than thế giới lên cao, chúng ta mới có thể bán được với giá 90 USD/tấn (theo thông báo của Bộ Thương mại), còn giá trung bình trong 10 năm qua chỉ khoảng 60 USD/tấn. Trong khi đó chỉ mới nhập khẩu thử nghiệm lần này, với loại than nghèo, nhiệt lượng thấp, thậm chí màu than nhập về còn không chịu đen, phẩm cấp thấp hơn than xuất khẩu của chúng ta nhiều, thì theo chính vị đại diện của Vinacomin trả lời trên đài truyền hình đã là 2,1 triệu đồng/tấn, tức là hơn 100 USD/tấn.

Bán tốt để mua xấu

Đáng ngạc nhiên, trong khi chúng ta tiếp tục nhập than với giá như vậy, dự kiến năm 2014 là 2 triệu tấn, những năm sau có thể phải nhập hàng chục triệu tấn, Vinacomin vẫn tiếp tục kế hoạch xuất khẩu than từ nay đến 2020. Cũng theo vị đại diện Vinacomin, vừa nhập khẩu, vừa xuất khẩu là do chủng loại than khác nhau, chủng loại than nào chúng ta chưa cần thì xuất khẩu, loại nào chúng ta thiếu thì nhập khẩu. Ví dụ, chúng ta đang nhập than cám loại 3C có hàm lượng các bon thấp để trộn vào loại than xấu của chúng ta cung cấp cho các nhà máy điện và xi măng và xuất khẩu than cám loại 2 chẳng hạn. Nhưng với các chuyên gia tài nguyên môi trường thì vấn đề không hẳn là như thế. Hiện nay loại than tốt chúng ta chưa cần dùng đến nhiều, không có nghĩa là tương lai chúng ta không có nhu cầu lớn. Xuất khẩu giá thấp để sau này mua lại với giá cao là cách tính toán thiếu khoa học. Ngay cạnh nước ta, Lào cũng đã cấm xuất khẩu than. Họ để dành tài nguyên cho tương lai. Còn chúng ta? Trước tháng 7/2013, thuế xuất khẩu than là 0%, sau có tăng lên 13% rồi lại giảm xuống 10%. Với những số liệu này, chúng ta có thể nhận thấy đóng góp cho ngân sách Nhà nước của ngành than, mặc dù đã khai thác đến cạn kiệt cũng chỉ rất hạn chế. Trong khi đó, rất đáng chú ý là Vinacomin đang là tập đoàn có mức vay nợ cả trong và ngoài nước lớn nhất trong các doanh nghiệp Nhà nước, tới nhiều tỷ USD. Chỉ riêng năm 2014, kế hoạch tài chính của TKV là tiếp tục triển khai việc phát hành trái phiếu trong nước với số tiền phát hành dự kiến 3.000 tỷ VND (dự kiến hoàn tất trong quý 2/2014) và tiếp tục kế hoạch triển khai cho phát hành trái phiếu quốc tế khoảng 300-500 triệu USD; tiếp tục giải ngân cho các dự án của các đơn vị trực thuộc TKV trên cơ sở các nguồn vốn được thu xếp đối với các dự án đủ điều kiện và được ưu tiên vay vốn từ Tập đoàn cho các lĩnh vực kinh doanh chính. Chẳng lẽ chúng ta dùng cạn kiệt tài nguyên chỉ để nuôi sống bộ máy 140.000 cán bộ công nhân viên ngành than. Và đó là thành tích lớn?

Chúng ta đã có kinh nghiệm với rừng. Chỉ khi chúng ta cấm rừng, không khai thác gỗ nữa, chúng ta mới giữ được rừng. Không khai thác rừng, chúng ta có thể phục hồi bằng cách trồng rừng. Nhưng tài nguyên khoáng thì không thể trồng được, không thể khôi phục được. Đã đến lúc phải cấm xuất khẩu than, hạn chế khai thác bừa bãi, để dành tài nguyên cho phát triển.

Rồi chúng ta lấy than ở đâu cho nhu cầu trong nước?

Theo dự báo, nhu cầu than của cả nước đến năm 2020 sẽ lên đến khoảng 60-70 triệu tấn/năm, vượt xa năng lực sản xuất của ngành than. Trung bình trong 5 năm 2020-2025, mỗi năm chúng ta sẽ nhập khẩu 48 triệu tấn than. Lấy ở đâu ra để thỏa mãn nhu cầu? Tất nhiên chỉ có hai cách: mua than thương mại và đầu tư khai thác mỏ than ở nước ngoài. Nhưng đó là những khả năng rất mong manh.

Các chuyên gia dự báo, nhu cầu tiêu thụ than toàn thế giới trong những thập niên tới sẽ tăng 4,46%/năm, trong đó khu vực châu Á tăng tới 7,03%/năm. Trong khi đó, trữ lượng than thế giới ngày càng suy giảm, nguồn than hiện có chỉ đủ đáp ứng nhu cầu đến năm 2030. Có thể thấy, việc tìm kiếm nguồn than nhập khẩu đối với Việt Nam sẽ vô cùng gian nan khi chúng ta phải cạnh tranh trực tiếp với những đối thủ có tiềm lực hơn hẳn về tài chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc... Cho đến nay, tất cả những gì Tập đoàn Than và khoáng sản làm được là các thỏa thuận khung về thương mại với các nhà cung cấp than của nước ngoài. Còn số lượng cung cấp được đến mức nào? Giá cả ra sao? Đến nay vẫn đang là ẩn số, trong khi sức ép về nguồn cung ứng than đang ngày một lớn.

Cùng với Úc, Indonesia là một trong hai quốc gia xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới và là nguồn cung cấp than chủ chốt cho các nền kinh tế lớn ở châu Á. Mỗi năm Indonesia xuất khẩu 250 triệu tấn than. Việc Indonesia có kế hoạch đánh thuế rất cao lên than đá xuất khẩu (hiện nay đã là 50%) chắc chắn sẽ đẩy mặt bằng giá than lên cao, đồng thời khiến cho cuộc đua giành quyền mua than trở nên quyết liệt hơn. Ấn Độ dự kiến nhu cầu nhập than đá vào năm 2016-2017 sẽ tăng lên 300 triệu tấn, gấp đôi so với hiện nay. Trung Quốc, nước đang tiêu thụ hơn một nửa sản lượng than toàn cầu, cũng phải tăng cường thêm nguồn cung cấp ở nước ngoài để đáp ứng cơn khát năng lượng ngày càng tăng. Riêng Nhật Bản, yêu cầu nhập than chắc chắn sẽ tăng rất mạnh. Sau sự cố xảy ra với Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima, nước này đã đóng cửa hầu hết các nhà máy điện hạt nhân nên có thể nhiệt điện chạy than sẽ là lựa chọn ưu tiên nhằm bù đắp khoảng trống của nhà máy điện hạt nhân để lại. Việt Nam vốn đã rất yếu thế trong cuộc đua này, sẽ càng khó cạnh tranh hơn. Hiện nay, nhiều nhà máy nhiệt điện Việt Nam đang và chuẩn bị xây dựng với công nghệ được thiết kế căn cứ theo loại than sẽ nhập của Indonesia. Nếu giá than nhập về tới Việt Nam  tăng vọt, tất cả tính toán về hiệu quả kinh tế của các dự án, giá thành điện sẽ sụp đổ. Đó là chưa nói đến việc có thể nhập khẩu đủ lượng than như mong muốn nữa hay không?

Mới đây, khi công bố quy hoạch phát triển ngành than, Bộ Công Thương đã đề cập đến khả năng chủ động mua mỏ ở nước ngoài để khai thác, tạo nguồn cung cấp than ổn định. Trong đó, hai địa chỉ được nhắc đến nhiều là Úc và Nga. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đó là một tính toán viển vông. Hầu hết các mỏ thuận lợi khai thác tại Úc, các nhà kinh doanh Nhật Bản, Trung Quốc đã mua từ lâu. Họ thậm chí mua cả cổ phần của công ty vận chuyển đường sắt và cảng để xuất than. Chúng ta đã quá chậm chân trong lĩnh vực này. Còn ở Nga, có thể mua được. Tuy nhiên với giá thành không phải là thấp, cộng với chi phí đầu tư khai thác, thuế, vận chuyển về Việt Nam... giá thành than sẽ lên đến bao nhiêu, các nhà máy điện, xi măng... trong nước có thể chịu đựng được không?

Khả năng cung cấp than cho nền kinh tế rất mong manh và dự báo là chi phí sẽ rất lớn. Chính vì vậy, bài toán về hiệu quả của việc khai thác tận thu tài nguyên để xuất khẩu càng đặt ra gay gắt.

Đã đến lúc khẩn cấp cấm xuất khẩu than đá.