Cơ quan thuế ứng phó với hoạt động chuyển giá tinh vi

ANTD.VN - Gần đây, cơ quan thuế đã liên tục phát hiện ra những khoản tiền thất thu thuế khủng từ trốn thuế và chuyển giá của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây là những doanh nghiệp liên tục khai lỗ tại Việt Nam nhưng vẫn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, toàn ngành đã thanh tra, kiểm tra được 217 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 575,75 tỷ đồng; giảm lỗ gần 2.636 tỷ đồng; giảm khấu trừ 15,5 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.811 tỷ đồng.

Trong đó, thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu hơn 256 tỷ đồng, giảm lỗ 1.888 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.748,67 tỷ đồng.

Mới đây, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục Thuế rà soát và thanh tra doanh nghiệp FDI kinh doanh bán lẻ trong những tháng cuối năm 2017. Trên cơ sở thông tin rà soát, thông tin quản lý thuế, các Cục Thuế phân tích, đánh giá rủi ro về thuế để lựa chọn, bổ sung vào kế hoạch thanh tra của cơ quan thuế. 

Nội dung thanh tra sẽ nhắm đến các sắc thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu hay như việc sử dụng thương hiệu dưới hình thức nhượng quyền thương mại hoặc chuyển quyền sở hữu nhưng chưa đăng ký với cơ quan quản lý…

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các Cục Thuế rà soát chi phí dịch vụ mà các doanh nghiệp này trả cho các công ty mẹ ở nước ngoài nhưng không chứng minh được dịch vụ tư vấn đã được thực hiện, hoặc dịch vụ không phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam…

Theo cơ quan thuế, hành vi vi phạm chuyển giá ngày càng tinh vi, phức tạp. Ông Phạm Ngọc Lai - Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Tổng cục Thuế cho biết, vi phạm phổ biến là giá mua hàng hóa không phù hợp với giá thị trường.

“Chẳng hạn, một công ty đa quốc gia nhập khẩu vào Việt Nam 1 kg bột mì để chế biến bánh kẹo có giá cao hơn giá thị trường khi so sánh với giá các đơn vị trong nước nhập khẩu hoặc giá một chai nước Lavie có giá thị trường là 5.000 đồng, nhưng công ty đa quốc gia chỉ khai bán với giá 4.000 đồng để giảm mức thuế phải đóng” - ông Phạm Ngọc Lai cho biết.

Đại diện cơ quan thanh tra thuế cũng cho biết, các tập đoàn đa quốc gia sau khi nhận sản phẩm từ công ty, có thể đi vòng qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trước khi nhập sản phẩm về thị trường Việt Nam. Trong trường hợp này, công tác thu thập dữ liệu thông tin về giá gặp rất nhiều khó khăn. 

Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Thanh tra Thuế cho biết, ngành thuế đã được Chính phủ cho phép mua dữ liệu giá để phục vụ công tác thanh tra. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác chống chuyển giá là thời gian thực hiện thanh tra đối với các giao dịch liên kết quá ngắn, trong khi nhân lực thực hiện công tác này lại mỏng.

“Theo quy định, thời gian thực hiện thanh tra chống chuyển giá là 45 ngày và kéo dài không quá 70 ngày. Trong khi, trên thế giới hiện nay, việc thanh tra chống chuyển giá kéo dài 575 ngày, tức là gấp hơn 10 lần ở Việt Nam. Chính việc hạn chế về thời gian và nhân sự nên công tác chống chuyển giá tại Việt Nam gặp những khó khăn nhất định”, ông Phạm Ngọc Lai nói.

Hơn nữa, theo ông Phạm Ngọc Lai, ngành thuế chưa có chức năng điều tra trong khi hầu hết ngành thuế các nước được phép. Điều này càng gây khó cho việc thanh tra chống chuyển giá vì các công ty đa quốc gia có thể luân chuyển hàng hóa qua nhiều nước. Vì vậy, cơ quan thuế đang nghiên cứu xây dựng đề án khoa học để bổ sung chức năng điều tra cho ngành thuế.