Cơ quan đại diện ngoại giao có thể giúp doanh nghiệp xuất khẩu tránh bẫy lừa

ANTD.VN - Doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường quốc tế, nên mong muốn đại sứ Việt Nam tại các nước cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Ngoại giao vừa tổ chức gặp gỡ giữa các Hiệp hội doanh nghiệp với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới được bổ nhiệm, nhằm trao đổi về các vướng mắc, đề xuất giải pháp hỗ trợ kinh doanh với thị trường các nước.

Cơ quan đại diện ngoại giao có thể giúp doanh nghiệp xuất khẩu tránh bẫy lừa ảnh 1Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị chu đáo khi giao thương với đối tác nước ngoài Ảnh: LAM THANH

Thiếu thông tin thị trường

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hanoisme), trong những năm qua, thông tin các đại sứ đã cung cấp về thị trường các nước rất hữu ích đối với doanh nghiệp. Song để việc kết nối này tốt hơn nữa, “Hiệp hội đề nghị các đại sứ cung cấp thông tin về diện tích, năng suất, khả năng mùa vụ các nước để thông báo cho các doanh nghiệp qua VCCI để tránh việc các nước cung cấp thông tin sai lệch về thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam”- ông Mạc Quốc Anh kiến nghị.

Theo ông Mạc Quốc Anh, hiện nay, chưa đến 5% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, đại diện Hanoisme mong muốn đại sứ Việt Nam tại các nước giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam liên kết với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước. 

Phản ánh xuất khẩu chè đang gặp nhiều khó khăn, ông La Mạnh Tiến - Tổng Giám đốc Công ty Chè Việt Nam cho hay, các quốc gia Trung Đông và Hồi giáo có nhu cầu tiêu dùng chè rất lớn, nhưng hiện nay sự hỗ trợ của cơ quan ngoại giao đối với doanh nghiệp chè rất ít.

“Tại Iran, Iraq, không có cơ quan nào để thẩm định đối tác. Doanh nghiệp thấy rất cô đơn. Chúng tôi gặp khó khăn trong việc thẩm định đối tác về khả năng thu hồi vốn, khả năng thanh toán… Hơn 90% sản phẩm chè dành cho xuất khẩu nên chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của cơ quan ngoại giao”- ông La Mạnh Tiến kiến nghị.

Hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền, đại diện Công ty CP Sao Thái Dương đề nghị các đại sứ cung cấp thông tin về quy chuẩn sản xuất, các phòng thí nghiệm thuốc ở nước ngoài để doanh nghiệp có cơ hội xuất khẩu. Theo vị đại diện này, doanh nghiệp gặp khó khăn khi các nước yêu cầu định tính, định lượng các hoạt chất trong bài thuốc y học cổ truyền.

Cẩn trọng để tránh bị lừa đảo

Chia sẻ thông tin với doanh nghiệp, ông Vũ Quang Minh - Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) cảnh báo, tình trạng lừa đảo trên mạng ở những thị trường phát triển hiện nay khá phức tạp. Do đó, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài cần thông tin đến doanh nghiệp, bởi nếu không cảnh báo kịp thời doanh nghiệp có thể thiệt hại hàng triệu USD vì các hành vi lừa đảo này.

Đồng quan điểm này, Đại sứ Việt Nam tại Qatar cho hay, sẽ cố gắng để cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp. Riêng với vấn đề thanh toán của các nước trong khu vực Trung Đông, Đại sứ quán tại đây đã nhiều lần nhận được đề xuất hỗ trợ của doanh nghiệp. “Doanh nghiệp khi ký hợp đồng phải cẩn trọng về ngôn từ”- Đại sứ Việt Nam tại Qatar cảnh báo.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Ukraine, thị trường này khó khăn về thanh toán ngoại tệ nên các doanh nghiệp nên ký hiệp định hoán đổi tiền tệ. Quan trọng hơn, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng vấn đề chất lượng. Bên cạnh đó, các đại sứ cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn khi giao thương với doanh nghiệp nước ngoài, chuẩn bị tài liệu, thông tin và ngoại ngữ, tránh trường hợp đối tác nước ngoài hỏi hồ sơ nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không có để đáp ứng.