Chưa tin vào thực phẩm sạch

ANTD.VN - Thực phẩm bẩn đang len lỏi vào bữa ăn hàng ngày của hàng chục triệu người tiêu dùng. Chưa bao giờ người tiêu dùng trong nước lại “khát” thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn như hiện nay. Trong bối cảnh ấy, mối liên kết giữa người sản xuất với người tiêu dùng vẫn còn quá lỏng lẻo và qua nhiều khâu trung gian nên khó có được niềm tin của người dân.

Chưa tin vào thực phẩm sạch ảnh 1Thực phẩm an toàn, dán nhãn mác đảm bảo nhưng người tiêu dùng vẫn hoài nghi

“Tôi chả tin có rau sạch”

Ngày 23-8, Tiến sỹ Hoàng Đình Chân, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt thông tin, tỷ lệ mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng mẫu thịt gia súc, gia cầm không an toàn luôn ở mức cao. Trong khi đó, tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn ngày càng tăng. Mỗi năm, Việt Nam có 150.000 người mắc ung thư mới, và 75.000 người chết vì ung thư mỗi năm. Với các hóa chất chăn nuôi tồn dư trong động vật không đào thải hết, con người sử dụng lâu dần sẽ có thể gây ung thư. Hệ quả tương tự nếu liên tục sử dụng rau, củ quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. 

Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau các loại nhưng rất ít trong số này là thực phẩm sạch, thực phẩm được chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có kiểm soát. Ngay tại một vài cửa hàng, siêu thị niêm yết bán rau, củ, thịt an toàn nhưng vẫn có tình trạng chạy theo lợi nhuận, làm ăn chộp giật, trà trộn thực phẩm không rõ nguồn gốc để bán giá cao cho người tiêu dùng. Tình trạng này không phổ biến nhưng mỗi vụ việc bị phát hiện lại khiến niềm tin của người tiêu dùng xói mòn. GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng: “Tôi chả tin có rau sạch. Bởi, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu về 4.100 loại thuốc trừ sâu, thuộc 1.643 hoạt chất khác nhau và 90% nhập từ Trung Quốc thì kiểm soát làm sao hết việc nông dân sử dụng thuốc ra sao, thời gian cách ly như thế nào…”. 

Tương tự, ca sĩ Mỹ Linh cũng cho biết, với vai trò là một người tiêu dùng, cô cũng thiếu niềm tin vào các loại thực phẩm, rau, củ quả quảng cáo sạch, an toàn hiện nay. Bởi hầu hết quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm này ra sao đều rất mù mờ, thiếu minh bạch. 

Thị trường béo bở cho DN nước ngoài

Trong khi người tiêu dùng còn loay hoay giữa “ma trận” thực phẩm thì các doanh nghiệp sản xuất, phân phối cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trần Quân, Giám đốc chuỗi cửa hàng hải sản và thực phẩm sạch Sói Biển bức xúc, bao nhiêu năm nay, Bộ NN&PTNT vẫn chưa ban hành được tiêu chuẩn đối với sản phẩm rau, củ hữu cơ.

“Một số doanh nghiệp làm sản phẩm nông sản hữu cơ phải ra nước ngoài tìm kiếm tiêu chuẩn rồi về áp dụng. Đến nay, Bộ NN&PTNT vẫn chưa thể trả lời cho chúng tôi, bao giờ có tiêu chuẩn về các sản phẩm nông sản hữu cơ…”, ông Trần Quân bày tỏ. Một vấn đề nữa là sự chồng chéo trong quản lý an toàn thực phẩm khiến doanh nghiệp rất bức xúc. Ông Trần Quân cho hay, có quá nhiều đoàn kiểm tra, từ ngành Y tế, NN&PTNT, đến Quản lý thị trường, rồi đoàn kiểm tra của phường, quận và thành phố. “Dù là một doanh nghiệp không lớn nhưng chúng tôi phải thuê riêng 1 nhân sự chỉ để tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra”, ông Trần Quân thông tin.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT thừa nhận, năm 2015, Bộ KH-CN đã ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về sản xuất hữu cơ nhưng thực ra bộ tiêu chuẩn này cũng dựa trên tài liệu hướng dẫn của nước ngoài nên chưa sát. Trong tháng 8 này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam sẽ làm việc với Bộ KH-CN về bộ tiêu chuẩn này.

Trong lúc doanh nghiệp sản xuất, phân phối thực phẩm an toàn còn trong vòng luẩn quẩn thì thị trường thực phẩm đang trở thành một lĩnh vực kinh doanh béo bở cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đầu năm 2016, đã có 13 doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn của Canada sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội giao thương, xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam. Tương tự, các doanh nghiệp nông sản - thực phẩm Hoa Kỳ cũng rất mặn mà với thị trường Việt Nam.

Ông David Lanmarz, Phó Chủ tịch Tập đoàn Registar Corp (hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) cho biết, rất nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn đầu tư vào ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam thông qua các dự án sản xuất thực phẩm sạch.