Chưa nên để EVN tự quyết giá điện

ANTĐ - Bộ  Công Thương đang lấy ý kiến nhân dân vào  dự thảo Quyết định quy định về  giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, thay vì  mức biến động thông số đầu vào từ 7-10%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được trao quyền tăng giá điện khi có biến động  từ 3-5%. 

Giá điện có thể được điều chỉnh nhiều lần trong năm

Tự tăng, tự chịu  trách nhiệm

Theo dự thảo, giá bán điện bình quân được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ  tướng Chính phủ quy định và chỉ được điều chỉnh tăng ở mức 3% trở lên. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa 2 lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng, thay vì tối thiểu 6  tháng/lần như hiện hành. Cụ thể, trường hợp các thông số đầu vào tại thời điểm tính toán cao hơn so với hiện hành  từ 3- 5% và  trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng.

Ở mức trên 5% hoặc giá bán điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định, EVN  lập hồ  sơ, báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Ngược lại, khi các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán thấp hơn so với hiện hành và trong khung giá, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện ở mức tương ứng. Dự thảo cũng quy định Bộ Công Thương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện.

Bình luận về nội dung này, chuyên gia kinh tế  Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng: “EVN được quyền tự quyết  điều chỉnh giá điện từ  3-5% hay bao  nhiêu không quan trọng, mà quan trọng  là họ phải giải trình, chứng minh và  chịu  trách  nhiệm trước quyết định đó. Còn nếu đã để giá điện theo thị trường thì thị trường lên, giá tăng, thị trường xuống, giá  giảm là chuyện bình thường”.

Cũng về vấn đề này, TS Ngô Đức Lâm - chuyên gia kinh tế độc lập, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho hay: “Chưa nên giao quyền tự quyết tăng giá điện cho EVN. Khi thị  trường đã hoàn hảo rồi, giao cho họ là đúng bởi họ phải cạnh tranh, họ muốn tăng giá cũng phải tính toán để bán được hàng. Với điều kiện hiện nay, giao cho EVN  tự quyết là không công bằng với người dân. Giả sử mỗi lần EVN được quyền tăng giá đến 5%, 1 năm họ được tăng tối đa 4 lần, thì tổng mức tăng có thể lên tới 20%”.

Thêm quỹ, dân phải đóng thêm tiền?

Dự  thảo quy định, giá bán điện bình quân được lập hàng năm trên cơ sở chi phí sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ và lợi nhuận định mức của các khâu phát điện, truyền tải, phân phối  - bán lẻ điện, điều hành - quản  lý và dịch vụ phụ trợ để đảm bảo khả năng vận  hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu  tư. TS Ngô Đức Lâm cho rằng, đây chính là phần phức tạp nhất của  giá  điện.“Nếu chỉ đưa ra các yếu tố đó, cứ cộng trừ nhân chia thì thấy hợp lý nhưng thực tế chưa chắc đã như vậy. Các yếu tố này phải tính toán  rất kỹ. Ai cũng biết giá nhiên liệu lên thì giá điện phải lên và ngược lại nhưng suất tiêu hao nhiên liệu như thế nào,  cần bao nhiêu than hay dầu để sản xuất  1kWh điện? Đây là chỗ khó minh bạch” - ông Ngô Đức Lâm nói.

Tương tự, cần tính toán định mức cần bao nhiêu nhân công trên 1kWh điện? Nếu chỉ cần 10 nhân công  nhưng  doanh nghiệp  tính 15 nhân công thì người dân sẽ chịu thiệt. “Phải có người chịu  trách nhiệm về những con số đó. 20 năm nay không  ai đo đếm, cứ báo cáo thế nào thì làm thế” - ông Ngô Đức Lâm nói. Dự thảo quy định mới  đề xuất mô hình quỹ bình ổn giá điện. Nguồn hình thành quỹ này được trích từ giá bán điện và  được  tính  vào  chi  phí  sản xuất  kinh doanh điện. 

Việc trích lập quỹ được thực hiện khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện biến động làm giá bán điện bình quân giảm và chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện đã được phân bổ hết. Tương tự như quỹ bình ổn giá xăng dầu, quỹ bình ổn giá điện do EVN thực hiện trích lập, quản lý và sử dụng theo hướng dẫn của Liên Bộ  Tài chính - Công Thương. TS Ngô Đức Lâm cho rằng:“Việc  trích quỹ không nên để người dân tự đóng rồi lại được trích bù tương tự như giá xăng dầu.

Quỹ nên được hình thành từ nguồn là EVN nộp vào ngân sách Nhà nước, rồi trích một phần vào quỹ. Chẳng hạn, năm nay EVN nộp ngân sách 1.500 tỷ đồng nhưng Nhà  nước  chỉ thu 1.400  tỷ đồng, còn 100 tỷ đồng đưa vào quỹ. Việc trích lập, quản lý, sử dụng phải đảm bảo minh bạch”. Về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, đề xuất lập quỹ này  là không ổn. “Giá điện chỉ tăng chứ không giảm, làm sao để trích quỹ bình ổn được. Việc lập quỹ này sẽ khiến người dân phải đóng thêm tiền” - ông Nguyễn Minh Phong nói.