Chậm đóng bảo hiểm, doanh nghiệp phải nộp thêm lãi phạt

ANTD.VN - Kinh tế khó khăn, nợ công trình chưa quyết toán, làm ăn thua lỗ, không có tiền nộp BHXH cho người lao động, nhiều doanh nghiệp hy vọng được miễn giảm, khoanh nợ hoặc không phạt lãi khoản nộp chậm đóng.

Các doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm xã hội thường rơi vào các đơn vị xây dựng

Nợ đọng Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và chính sách an sinh xã hội. Dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thu BHXH song Hà Nội cũng là địa phương có tỷ lệ nợ đọng các loại bảo hiểm cao nhất cả nước. Gần 35.000 doanh nghiệp nợ BHXH với hàng nghìn lý do khác nhau, tuy nhiên trong đó không ít doanh nghiệp cố tình chậm đóng, trốn đóng BHXH để chiếm dụng tiền của người lao động.

Đề nghị được khoanh nợ 

Theo Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, dù đã nỗ lực triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng song nợ bảo hiểm của Hà Nội vẫn ở mức cao. Qua theo dõi, phần lớn các doanh nghiệp nợ đọng BHXH là các đơn vị xây dựng, cầu đường, kinh doanh bất động sản, may mặc. Lý do mà doanh nghiệp nêu ra cho việc chậm nộp bảo hiểm là do tình hình kinh tế khó khăn, các dự án bất động sản thiếu vốn không triển khai được, không thu hồi được vốn từ các công trình.

“Trong số những doanh nghiệp nợ BHXH chỉ có một số do thực sự khó khăn trong kinh doanh sản xuất, còn lại không ít doanh nghiệp doanh thu tốt vẫn cố tình chây ì, trốn đóng BHXH, BHYT hoặc đóng không đúng số lao động thực tế đang làm việc”.

Ông Nguyễn Đức Hòa (Giám đốc BHXH Hà Nội) 

Tại buổi làm việc mới đây giữa đoàn giám sát của Ban Văn hóa xã hội (HĐND TP Hà Nội) với các quận, huyện và một số doanh nghiệp có số nợ đọng lớn trên địa bàn, đại diện Công ty cổ phần Licogi 13 (Nhân Chính, Thanh Xuân) cho biết: “Công ty có số nợ bảo hiểm đến hết tháng 8-2017 là 3,4 tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cạnh tranh việc làm khốc liệt về giá cả và công nghệ, các công trình mới chưa được triển khai mà các công trình cũ cũng chưa quyết toán xong. Tổng nợ của doanh nghiệp ở các công trình trọng điểm lên đến 200 tỷ đồng. Nếu thu hồi được số tiền này sớm thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ ưu tiên cho việc trả nợ BHXH”.

Chung lý do kinh tế khó khăn như Công ty cổ phần Licogi 13, nhiều doanh nghiệp cho rằng, BHXH là chính sách bắt buộc nên dù có khó khăn, thua lỗ thì doanh nghiệp vẫn phải nộp. Song các doanh nghiệp nợ BHXH mong muốn cơ quan quản lý có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như khoanh phần nợ lãi chậm nộp và trả dần số nợ gốc. Thậm chí có doanh nghiệp còn hy vọng được miễn giảm số tiền nợ lãi.

Khó khăn hay cố tình chây ỳ?

Về vấn đề khoanh nợ, miễn giảm, trả dần nợ lãi theo tháng, BHXH Việt Nam cho biết, BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không có thẩm quyền xem xét khoanh nợ đóng BHXH và miễn, giảm tiền lãi chậm đóng BHXH. 

Theo quy định tại khoản 2, Điều 17 và khoản 3, Điều 122, Luật BHXH năm 2014 thì trường hợp đơn vị chậm đóng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên, ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù chính sách BHXH cần cụ thể và hợp lý hơn để các doanh nghiệp thực sự khó khăn có thể yên tâm sản xuất kinh doanh, có nguồn thu để đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nhưng việc khoanh phần nợ lãi chậm nộp hay miễn giảm là không hợp lý. Nếu điều này thành hiện thực thì vô tình sẽ tạo ra sự bất công với các doanh nghiệp đóng BHXH đầy đủ, nghiêm túc.

Phân tích về số nợ BHXH hơn 3.200 tỷ đồng, ông Nguyễn Đức Hòa nhận định, trong số những doanh nghiệp nợ BHXH chỉ có một số do thực sự khó khăn trong kinh doanh sản xuất, còn lại không ít doanh nghiệp doanh thu tốt vẫn cố tình chây ì, trốn đóng BHXH, BHYT hoặc đóng không đúng số lao động thực tế đang làm việc. 

Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp không có địa chỉ rõ ràng, chỉ có bảo vệ hoặc chỉ có duy nhất một lao động. Ngoài ra, có những doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm tra nhưng không thực hiện kết luận, không nộp tiền nợ nhưng vẫn chưa bị xử phạt hành chính. Hiện nay, BHXH Hà Nội đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu hồi nợ đọng bảo hiểm của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp cùng cơ quan công an kiểm tra việc đóng BHXH tại các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH để có hình thức xử lý.