Cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp "dễ thở"

ANTD.VN - Dự kiến, có khoảng 464 - 612 điều kiện kinh doanh sẽ bị cắt giảm trong thời gian tới, tương đương với khoảng 38,15% - 50,3% tổng các điều kiện kinh doanh.
 

Hàng loạt điều kiện kinh doanh bất hợp lý sẽ bị bãi bỏ

Được đánh giá là một trong những bộ, ngành đang tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh, “giấy phép con” nhất hiện nay, Bộ Công Thương đang ráo riết thực hiện cắt giảm các điều kiện bất hợp lý. 

Giảm điều kiện kinh doanh ở lĩnh vực an toàn thực phẩm

Bộ Công Thương cho biết, Tổ công tác đặc biệt của Bộ này vừa rà soát 1.216 điều kiện kinh doanh thuộc 27 ngành, nghề (chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô là ngành nghề thứ 28) và đề xuất 2 phương án cắt giảm. Trong đó, phương án 1 là đề xuất cắt giảm 464 điều kiện, tương đương với 38,15% tổng số các điều kiện kinh doanh và riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đề xuất cắt giảm 180/350 điều kiện.

Phương án 2, mức cắt giảm đến 612 điều kiện kinh doanh, tương đương với mức cắt giảm 50,3% tổng số 17 ngành nghề. Trong đó riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, số điều kiện đề xuất cắt giảm là 331/350 điều kiện kinh doanh. Như vậy, sau khi cắt giảm, tổng số điều kiện còn lại là 752, nếu áp dụng theo phương án 1 và 604 điều kiện, nếu áp dụng phương án 2.

Cũng theo báo cáo của Tổ công tác này, trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát thì có 10 ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm gồm: kinh doanh ngành nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dịch vụ nổ mìn; xuất khẩu gạo; tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt... 

17 ngành, nghề kinh doanh còn lại đề xuất cắt giảm gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy). 

Không được “đánh bùn sang ao”

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc rà soát thủ tục kinh doanh phải thực hiện một cách cầu thị, chỉ giữ lại những điều kiện kinh doanh thực sự cần thiết, trong đó hạn chế tối đa các điều kiện mang tính chất rào cản gia nhập thị trường với các tiêu chí sau: chuyển đổi phương thức quản lý Nhà nước từ nặng về tiền kiểm để chuyển dần sang hậu kiểm; Xây dựng, thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cùng đó, phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý Nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, nếu thực hiện theo phương án 2 sẽ tốn nhiều thời gian, không kịp thời do việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phải thực hiện theo quy trình của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn. Ngoài ra, không thể xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chung về an toàn thực phẩm cho các ngành sản xuất thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, Vụ này vẫn nghiêng về lựa chọn phương án 2. Đối với các điều kiện nói chung trong tất cả các lĩnh vực, Vụ Pháp chế đề xuất cắt giảm phương án sàn là 612 điều kiện, tương đương cắt giảm 50,3%.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Văn Ngọc- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), nên chọn phương án 1 bởi an toàn thực phẩm là lĩnh vực vẫn cần các điều kiện kinh doanh nhất định. Phương án 2 chưa phù hợp với thực tiễn khi chỉ còn 19 điều kiện và chuyển mạnh sang hậu kiểm. 

Đồng ý trước mắt thực hiện phương án 1, cắt giảm từng bước điều kiện kinh doanh, song Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc thực hiện phương án 1 không chỉ dừng lại ở bãi bỏ thủ tục mà còn tiếp tục bãi bỏ những điều kiện không còn cần thiết. 

“Những điều kiện kinh doanh nào không ổn mà dồn hết sang quy chuẩn là không được, như vậy là tình trạng gói lại đẩy sang chỗ khác cho an toàn thì không ổn. Vấn đề ở đây phải đi vào thực chất, cái gì bãi bỏ được thì bãi bỏ chứ không phải chỉ là bãi bỏ về số lượng” - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.