Khởi nghiệp trong nông nghiệp:

Cần tinh thần "chiến binh"

ANTD.VN - Nhiều tấm gương làm giàu từ nông nghiệp hiện nay mới chỉ là những chiến sỹ dũng cảm chứ chưa thực sự trở thành “chiến binh” trong khởi nghiệp .

Chính sách hỗ trợ nông dân khởi nghiệp cần phải thực chất hơn nữa

Số lượng các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay còn thấp, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước. Do đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp  chưa đủ để phát triển thành cộng đồng và hệ sinh thái. 

Đây là một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó còn có những khó khăn có tính chất truyền thống như sản xuất quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở hạ tầng, canh tác, dịch vụ còn nhiều yếu kém. Một số chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư… vẫn còn những hạn chế, chậm sửa đổi so với thực tiễn.

“Ngại” tiếp cận nhà khoa học

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho biết, là một quốc gia nông nghiệp, vấn đề khởi nghiệp trong nông nghiệp tại Việt Nam đang được quan tâm, bởi đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, cần đầu tư lâu dài.

“Khởi nghiệp trong nông nghiệp hiện nay đang dần trở thành một xu hướng mới tại Việt Nam. Ngày càng nhiều các công ty đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng từ bỏ cơ hội được làm tại các doanh nghiệp lớn để về quê hương khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp”, ông Trần Văn Tùng chia sẻ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này còn gặp không ít khó khăn. Đưa ra ví dụ về thiệt thòi trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, ông Trần Văn Tùng cho biết: “1 tấn thanh long do Việt Nam sản xuất được thương lái Trung Quốc mua với giá khoảng 400 USD/tấn. Sau khi thu mua, họ đem về bảo quản, chiếu xạ khử trùng và phân loại. Loại 1 được xuất khẩu đi các nước châu Âu với mức giá 3.500 USD/tấn, loại 2 bán khoảng 2.500 USD/tấn và lại 3 bán với giá 1.200 USD/tấn và loại 4 được tiêu thụ nội địa với giá khoảng 400 USD/tấn”. 

Vấn đề này cũng được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chia sẻ. Anh Nguyễn Đăng Cường - một nông dân khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi vịt trời tại Bắc Ninh cho biết: “Hiện sản phẩm vịt hun khói của chúng tôi được đối tác Nhật Bản đầu tư và xuất khẩu sang Nhật Bản. Về mặt công nghệ, bản thân chúng tôi chủ yếu là tự mày mò tìm giải pháp cho mình. Để tiếp cận với các nhà khoa học thì bản thân người nông dân chúng tôi vẫn còn rất ngại. Ngoài ra, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ nông dân vẫn rất hạn chế”.

Phải có “áo giáp” cho các “chiến binh”

Ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn cho biết, nhiều tấm gương làm giàu từ nông nghiệp hiện nay mới chỉ là những chiến sỹ dũng cảm chứ chưa thực sự trở thành “chiến binh”, mà khởi nghiệp là cần phải có tinh thần “chiến binh”. 

“Nếu ví những người khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là một “chiến binh”, thì họ giống như một người lính ra chiến trường, trước hết họ phải có đạn để bắn. Đạn đó chính là vốn, nhưng vốn ở đâu, người nông dân có tiếp cận được không, ai là người cho vay? Điều này cần có câu trả lời rõ ràng”, ông Hoàng Trọng Thủy đặt ra nhiều câu hỏi.

Theo ông Hoàng Trọng Thủy, vấn đề tiếp theo là muốn tiến vào thị trường thì người nông dân phải hiểu thị trường. Thông tin về thị trường chính là radar để người nông dân lựa chọn đầu tư và kết hợp với nhà khoa học. Mặt khác, khởi nghiệp trong nông nghiệp cũng cần có một tấm “áo giáp” đó chính là luật pháp và cụ thể hơn đó là quy trình sản xuất, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm… 

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, hiện nay số lượng người sử dụng điện thoại ở vùng nông thôn là rất lớn, trong đó hơn 50% sử dụng điện thoại thông minh. Vì vậy cần hướng dẫn cho người nông dân sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận thông tin. 

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khởi nghiệp phải gắn với tinh thần đổi mới sáng tạo, ý tưởng kinh doanh mới. Mặt khác, phải có nguồn lực, điều kiện về mặt tài chính cũng như các nguồn lực cơ bản khác. “Nhiều khi ưu đãi cho người nông dân được 5% nhưng họ lại phải bỏ ra “chi phí” tới 4%. Quan trọng là làm sao để người nông dân tiếp cận được những ưu đãi theo đúng nghĩa của nó”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.