"Cân điêu" lộng hành móc túi người tiêu dùng

ANTĐ - Cân điêu - một hành vi gian dối đang trở nên phổ biến đến mức người tiêu dùng chấp nhận nó như một điều đương nhiên.  Sự chấp nhận của người tiêu dùng, thiếu các biện pháp quản lý và xử lý mạnh tay đã khiến những kẻ lừa dối người tiêu dùng ngày càng lộng hành. Không chỉ ở những người bán hàng rong, chợ cóc, chợ tạm mà ngay cả những chợ lớn, những mặt hàng đóng gói trong siêu thị cũng lấy cân điêu làm lãi.
"Cân điêu" lộng hành móc túi người tiêu dùng ảnh 1

Ấm ức chịu thiệt vì bị cân điêu

Có lẽ ít ở đâu như ở ta, đã là người đi chợ thì chắc chắn bị cân điêu. Người bán hàng thì biện hộ ai cũng muốn mua rẻ, không cân điêu lấy đâu ra lãi. Thế nên, cân điêu người bán biết, người mua cũng hay, nhưng tất cả đều chấp nhận như một thứ “văn hóa xấu” trong kinh doanh.

Theo kinh nghiệm của chị Nguyễn Thanh Hà (phường Định Công, Hoàng Mai) thì cân điêu trắng trợn nhất phải kể đến những hàng bán hoa quả rong và hàng cá. Những mặt hàng này, ít thì người bán cân thiếu 1-2 lạng, nhiều thì đến 3-4 lạng mỗi kg. “Hoa quả rong thường lấy giá cả để hút người tiêu dùng nên người bán thường để giá rất thấp so với các mặt hàng cùng loại bán trong sạp.

Người mua hàng rong thường là khách lạ lại không có điều kiện kiểm chứng nên kẻ bán thường cân thiếu rất nhiều. Còn đối với mặt hàng cá, thường người bán chỉ cân tạm đủ cho những khách quen, còn khách lạ thì 1kg chỉ được 7-8 lạng là cùng. Hơn nữa, khi mua cá, người mua thường nhờ người bán mổ cá luôn, nên chẳng mấy ai cân lại được” - chị Hà nói. 

Chị Hà kể, một lần chị đi mua cá chép, giá 55 nghìn đồng/kg, chị mặc cả 50 nghìn đồng thì người bán đồng ý ngay. Chị nhắc nhở người bán không cân điêu thì người này xoen xoét: “Rẻ thì nài chứ em không cân điêu làm gì”. Ấy thế mà đem con cá đến hàng quen cân nhờ thì con cá 1,1kg chỉ còn 9 lạng. Chị Hà quay lại trả cá thì người bán nhất quyết không chịu, quay ngoắt 180 độ chửi xa xả khách: “Muốn ăn đồ rẻ lại còn đòi cân đủ thì ...”.

Sau nhiều lần bị cân điêu, chị Hà rút ra kinh nghiệm: “Sau lần đó, mua hàng nào tôi cũng dặn trước người bán hàng: Em không mặc cả của chị nhưng phải cân đủ em mới trả tiền. Thế là thường người bán hàng sẽ lấy ra một cân khác được giấu kỹ ra để cân chứ không dùng cân thường dùng nữa”. Theo chị Hà, bất kỳ hàng bán rong hay hàng cá nào cũng có ít nhất 2 chiếc cân, một chiếc thiếu từ 2-4 lạng, một chiếc đủ hoặc thiếu ít hơn. Chiếc cân thứ hai thường được để kỹ, người nào rắn mặt thì chủ hàng mới dùng đến chiếc cân này.

Chính sự chấp nhận của người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho hành vi cân điêu ngày càng lộng hành. Có một thời gian, ban quản lý nhiều chợ lớn ở Hà Nội đã cho lắp đặt cân đối chứng nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, hệ thống cân đối chiếu này chưa thực sự phát huy hiệu quả, và nhanh chóng bị lãng quên vì nhiều người chưa biết đến hoặc ngại mất thời gian.

Theo các cơ quan chức năng, nếu nghi ngờ người bán cân gian, người tiêu dùng có thể báo cho lực lượng QLTT hoặc ban quản lý chợ. Các đơn vị này sẽ kiểm tra cân đó có giấy chứng nhận kiểm định hay chưa làm cơ sở xử lý. Riêng đối với các xe hàng rong, nếu nghi ngờ thì người mua báo ngay cho QLTT, lực lượng này sẽ tạm thời niêm phong, giữ cân để kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm, người bán sẽ bị xử phạt theo Nghị định 80/2013 với mức phạt có thể lên tới 30 triệu đồng.

Có cả nghề “độ” cân???

Để tìm hiểu một quy trình chế một chiếc cân thật thành cân gian, phóng viên đã tiếp xúc với một người quen làm đại lý buôn bán hoa quả. Qua lời kể thì ở một số chợ thường có người “độ” cân rong, vài hôm họ lại đi qua một lần để làm cân cho người nào cần. Nhưng thông thường ở mỗi khu vực sẽ có những người chuyên làm nghề này. “Ví dụ ở gần đây thì cứ lên khu Thuốc Bắc có mấy hàng chuyên bán và sửa chữa cân họ sẽ làm cho, giá khoảng 50 nghìn đồng. Khu vực Minh Khai, Đê La Thành cũng có người làm. Mạn trên thì ở Cầu Diễn cũng có một ông “độ” cân nổi tiếng lắm”.

Theo lời giới thiệu của người này, chúng tôi tìm đến một cửa hàng chuyên bán và sửa chữa các loại cân đĩa ở phố Thuốc Bắc. Tại cửa hàng này bày bán khá nhiều loại cân đĩa khác nhau, chúng tôi hỏi một chiếc cân Nhơn Hòa 10 kg và hỏi chủ hàng có “độ” được cân để bán hàng hay không. Chủ hàng gật đầu đồng ý và hỏi khách: Mua cân để bán cái gì. Chúng tôi cho biết là để bán thịt bò thì người này tư vấn: “Bán thịt bò thì 1 cân ăn nửa lạng hoặc 1 lạng là cùng thôi. Cái thịt này nó đắt, ăn nhiều người ta biết, mất khách”.

Nói rồi chủ cửa hàng nhìn mặt chúng tôi thăm dò, thấy chúng tôi gật đầu liền ghi hóa đơn và hẹn chúng tôi chiều quay lại. Đến chiều khi chúng tôi quay lại thì người bán hàng đưa ra chiếc cân của chúng tôi với một chiếc cân đối chứng, một cục sắt khối lượng 1kg ở chiếc cân chuẩn, sang chiếc cân chúng tôi mua tăng lên 1,1kg. Khi chúng tôi trả tiền, người này nói thêm: “Cái này ăn ít, nhưng chỉ bán 5 cân thịt là em ăn 5 lạng, được hơn trăm nghìn rồi”.

Chúng tôi tiếp tục đem chiếc cân này đến một cửa hàng sửa cân trên phố Đại La với yêu cầu chỉnh cân thêm vài lạng để bán hoa quả. Người thợ sau khi tháo bung chiếc cân ra, anh ta dùng thước đo chiều dài chiếc lò xo rồi hỏi chúng tôi cần chỉnh thêm mấy lạng. Sau khi nghe yêu cầu của khách, anh thợ dùng kìm kéo giãn chiếc lò xo rồi lấy thước đo lại.

Sau khi tính toán chiều dài của lò xo hợp lý, anh này dùng một miếng kim loại nhỏ chêm vào giữa khe lò xo rồi lắp lại như cũ. Những thao tác cực kỳ đơn giản, nhưng theo người thợ này thì “người ngoài nhìn tưởng đơn giản nhưng cứ thử làm xem có ra không”. Chỉ sau mươi phút, chiếc cân của chúng tôi đã có sai số y như yêu cầu của chúng tôi, 1kg giờ đã thành 1,3 kg.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài chiêu chế một chiếc cân điêu bằng cách nhờ đến thợ cân chỉnh lò xo như trên, những người bán hàng còn có nhiều chiêu khác nhau như thay đĩa cân. Nghĩa là họ sẽ có cùng lúc nhiều chiếc đĩa có trọng lượng khác nhau, khi muốn cân điêu họ chỉ việc thay bằng chiếc đĩa cân nặng hơn. Cũng có người gặp “khách sộp” không để ý, khi cho đồ lên cân trong lúc xoay chiếc cân về phía khách hàng họ nhanh tay vặn kim đồng hồ cho tăng thêm vài lạng. Tinh vi hơn, có người dùng chíp điện tử gắn vào chiếc cân rồi dùng điều khiển từ xa. Tuy nhiên những cách này đều dễ bị phát hiện, nên phổ biến nhất là chế một chiếc cân điêu bằng cách thay đổi độ dài lò xo.

"Cân điêu" lộng hành móc túi người tiêu dùng ảnh 2

Tình trạng cân điêu phổ biến ở hầu hết các chợ -  Ảnh minh họa

                                                             

Trong siêu thị cũng bị cân gian

Mặt hàng đóng gói sẵn thường ghi rõ khối lượng hay thể tích trên bao bì, thế nên đa phần người tiêu dùng tin tưởng, chẳng mấy ai kiểm chứng lại. Vậy nhưng đây lại là những mặt hàng bị cân điêu một cách công khai. Theo khảo sát của phóng viên đối với những người mua hàng trong siêu thị thì hầu hết không ai quan tâm đến khối lượng thực của những mặt hàng mình mua: “Mua hàng thì đầu tiên là xem giá bán, hạn sử dụng, rồi khối lượng, dung tích có phù hợp với nhu cầu của mình không, những mặt hàng là thực phẩm thì xem kỹ về thành phần. Tôi chỉ nhìn khối lượng, dung tích nhà sản xuất in trên bao bì chứ chưa bao giờ cân lại xem đủ hay thiếu.” - chị Lương người mua hàng trong một siêu thị cho biết.

Đó cũng là tâm lý chung của rất nhiều người mua hàng đóng gói sẵn. Trong khi đó, các đơn vị bán lẻ thì cũng không mấy quan tâm đến khối lượng, dung tích của những mặt hàng này, bởi theo họ quan trọng nhất là uy tín, thương hiệu của nhà sản xuất, nhãn mác phải đầy đủ thông tin về khối lượng, thành phần, hạn sử dụng… Còn nếu có sai phạm về khối lượng thì trách nhiệm thuộc về nhà sản xuất chứ không phải đơn vị phân phối.

Tuy nhiên, thông tin mới đây về việc phát hiện hàng loạt mặt hàng đóng gói sẵn cân thiếu sẽ khiến nhiều người tiêu dùng giật mình. Theo đó, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tiến hành cuộc thanh tra chuyên đề về hàng đóng gói sẵn và phát hiện rất nhiều sai phạm. Sau 2 tháng thực hiện thanh tra đã phát hiện 265 cơ sở trong tổng số 1.283 cơ sở được thanh tra có vi phạm, trong đó hành vi gian lận về trọng lượng chiếm tỷ lệ nhiều nhất, khoảng 32%. 

Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, sau khi Luật Đo lường có hiệu lực, tháng 8-2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành thông tư 21 hướng dẫn về đo lường hàng đóng gói sẵn. Sau 1 năm triển khai, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thanh tra chuyên đề về hàng đóng gói sẵn tập trung vào nhóm các mặt hàng thiết yếu liên quan đến đời sống người dân như đường, sữa, dầu ăn... với các nội dung về đo lường, chất lượng, mã số mã vạch, ghi mã hàng hóa, sở hữu trí tuệ... và đã phát hiện nhiều sai phạm.

Những sai phạm phát hiện qua thanh tra sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo hiệu ứng dư luận nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, đảm bảo sự công bằng cho các nhà sản xuất chân chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, những nhà sản xuất gian lận thì sẽ bị xử phạt theo đúng quy định pháp luật.

​Cũng theo ông Dũng, thực tế người tiêu dùng rất ngại đến cơ quan quản lý để khiếu kiện về vấn đề trọng lượng, bởi sai phạm trọng lượng đối với cá nhân người tiêu dùng là rất nhỏ, nhưng đối với số lượng lớn mà nhà sản xuất cố tình vi phạm thì nhà sản xuất đã gian lận được số tiền rất lớn. Nếu người tiêu dùng nâng cao ý thức, chung tay với nhà quản lý thì những sai phạm này sẽ được hạn chế rất nhiều.