Bộ Tài chính lý giải đề xuất tăng gấp đôi khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

ANTD.VN - Đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng là chủ đề nóng trong cuộc họp báo thường kỳ quý I Bộ Tài chính chiều nay, 10-4.

Bộ Tài chính cho biết, đã trình Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội, trong đó đề xuất nâng khung thuế BVMT với xăng dầu lên mức 3.000 – 8.000 đồng/lít.

Lý giải việc cần thiết nâng khung thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, đề xuất này nhằm chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Việc này cũng nhằm đảm bảo tính ổn định của Luật và lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn; Tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới; Nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường; Đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về BVMT.

Dự kiến Luật Thuế BVMT sẽ  trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10-2017

Theo đại diện Bộ Tài chính, hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. “Cụ thể, theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào  ngày 3-4-2017, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 180 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao, tức là 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam). Tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp (37,24% đối với xăng; 21,14% đối với diesel; 11,5% đối với dầu hỏa và 18,4% đối với mazút) so với nhiều nước. Cụ thể, Hàn Quốc là 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%...” – ông Phạm Đình Thi cho cho biết.

Lý giải về việc tại sao Bộ Tài chính đề xuất khung thuế tăng cao so với hiện hành và đề xuất này có tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đại diện Bộ Tài chính cho biết, khung thuế này là phù hợp trên cơ sở tính toán nhiều yếu tố để đảm bảo tính ổn định của Luật áp dụng cho thời gian dài. “Do đó, việc điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu (nếu có - PV) chưa tác động đến giá bán lẻ xăng dầu, cũng như đến sản xuất, kinh doanh” – ông Phạm Đình Thi nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thuế BVMT có sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường không khi mà con số thu thì cao nhưng chi thì không tương xứng, ông Phạm Đình Thi cho biết, theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước, thuế BVMT được sử dụng chi thực hiện các nhiệm vụ chi theo Luật ngân sách Nhà nước như chi đầu tư phát triển (chi đầu tư cho các dự án, chi đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp...), chi đảm bảo xã hội (bao gồm cả chi thực hiện các chính sách xã hội theo quy định)..., trong đó nhiều khoản chi cũng góp phần BVMT. “Chẳng hạn chi cho xử lý nước thải, xây dựng, nâng cấp đường giao thông... cũng có tác động BVMT, chứ không phải chi trực tiếp cho công tác BVMT mới gọi là BVMT” – ông Phạm Đình Thi lý giải.

Riêng đối với kinh phí sự nghiệp môi trường, ông Phạm Đình Thi cho biết, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 02/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp BVMT. Thông tư này quy định: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách Nhà nước trong dự toán ngân sách hàng năm”. Theo Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, một trong các giải pháp thực hiện là tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cho công tác BVMT, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách).