Bộ Công Thương đang xem xét việc dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab

ANTD.VN - Trước việc taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản đối taxi Uber, Grab, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh nghiên cứu và sớm có báo cáo.

Bộ Công Thương đang xem xét việc dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab ảnh 1

Bộ Công Thương đang xem xét việc dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab

Sau khi bị Bộ GT-VT từ chối đề xuất dừng thí điểm Uber, Grab, các hãng taxi ở Hà Nội đã lần lượt dán các bảng hiệu phản đối Quyết định 24 của Bộ GT-VT về thí điểm Uber, Grab, cũng như thể hiện sự bất bình trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước của taxi công nghệ.

Tình trạng các xe taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab xuất phát từ Hà Nội, sau đó là TP.HCM. Nhiều nội dung phản đối được sử dụng như: “50.000 xe thí điểm theo QĐ24 của Bộ GTVT thu 18.000 tỷ đòng nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ đồng. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”; “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”; “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”

Trước tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

“Bộ đã có chỉ đạo Cục Quản lý Cạnh tranh nghiên cứu và sớm có báo cáo về việc này. Trong đó, xem xét liệu có hành vi vi phạm cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp hay không. Cục Quản lý Cạnh tranh đang nghiên cứu và sẽ có báo cáo chính thức và hiện chưa thể kết luận ngay được”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có văn bản kiến nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các loại xe taxi công nghệ do số lượng tăng chóng mặt.

Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, Bộ GT-VT đã cố tình không giới hạn số lượng xe tham gia thí điểm mặc dù UBND thành phố Hà Nội và TP.HCM kiên quyết phản đối làm xe hợp đồng dưới 9 chỗ bùng nổ, mất kiểm soát khi lượng xe thí điểm chạy cho Grab, Uber tăng lên 50.000 xe chỉ trong 18 tháng.

Trước khi có quy định quản lý chính thức, đối với xe thí điểm hợp đồng điện tử, Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị ban hành quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, vị trí dán logo, biểu trưng của các xe thí điểm đảm bảo rõ ràng, dễ nhận biết và giao Sở GT-VT địa phương in và cấp phát logo nhận diện.

Trước kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, về thẩm quyền, Thủ tướng đã đồng ý cho thí điểm và triển khai loại hình này trên các đô thị.

Theo Luật Giao thông đường bộ, UBND các tỉnh, TP sẽ quản lý giao thông trên địa bàn, gồm phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý giao thông, trong đó có quản lý từ quy hoạch. Do đó, việc kiểm soát số lượng theo từng loại hình là thẩm quyền của từng địa phương.

“Đây là kiến nghị của Hiệp hội vận tải nên các địa phương sẽ phải xem xét và tuỳ theo điều kiện hạ tầng giao thông của các địa phương đó để có thể quyết định dừng hay tiếp tục cấp phép, trên cơ sở đáp ứng yêu cầu đi lại nói chung với điều kiện hạ tầng hiện hữu của đô thị đó”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.