Bộ Công Thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh: Bao giờ có hiệu lực?

ANTD.VN - Sáng 22-1, Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến: "Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công thương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp". 

Điều kiện kinh doanh hợp lý sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Ngày 20-9-2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Quyết định 3610a, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương.

Vậy bao giờ việc cắt bỏ này có hiệu lực? Trả lời cho câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay: "Cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh là ý nguyện của ngành Công Thương, nhưng muốn thực hiện thì lại phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành. 

Dùng 1 Nghị định sửa nhiều Nghị định

675 điều kiện cắt giảm thuộc 16 lĩnh vực quản lý, nên ít nhất phải sửa đổi 16 Nghị định thuộc các lĩnh vực này. Mà sửa đổi 16 Nghị định cần tối thiểu 1 năm. Vì vậy, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phương án cho phép dùng 1 Nghị định sửa nhiều Nghị định, ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn hôm 5-10.

Ngày 10-11, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thương. Hiện dự thảo Nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Chúng tôi sẽ sớm trình Chính phủ phê duyệt trước ngày 30-11 để việc cắt giảm sớm được thực hiện". 

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, các lĩnh vực cắt giảm điều kiện kinh doanh rất nhiều, nhưng rõ nét nhất là ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, xăng dầu, điện... Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường, xây dựng thị trường cạnh tranh thực sự, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, "đơn giản hóa, hợp lý hóa điều kiện kinh doanh nhưng không thể phiêu lưu. Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu như vậy"- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói. 

Theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên tự nguyện cắt giảm và cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh như vậy. Đây là điểm đáng mừng, mặc dù việc cắt giảm này chưa đạt như kỳ vọng của các nhà nghiên cứu.

Làm thế nào để điều kiện kinh doanh không "mọc" lại?

TS Nguyễn Đình Cung cho hay, trong các năm từ 2000 đến 2003, các Bộ ngành đã bãi bỏ khá nhiều điều kiện kinh doanh. 

Đơn cử như ngành GTVT bãi bỏ gần hết, nhưng đến thời điểm hiện tại, hầu hết các điều kiện kinh doanh đã cắt giảm lại được khôi phục và "mọc" thêm.

Vì vậy, để cắt giảm điều kiện kinh doanh, theo TS Nguyễn Đình Cung là cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý. "Nếu cứ đặt ra điều kiện tiền kiểm thì không thể hạn chế được điều kiện kinh doanh, vì xuất hiện hình thức kinh doanh mới là nghĩ ngay đến cách quản lý. Khi bỏ đi các điều kiện này mà không có phương thức quản lý mới thì làm thế nào? Một vài sự việc xảy ra, dư luận hỏi cơ quan quản lý ở đâu? Nên bộ ngành lại phục hồi lại! Phải thay đổi tư duy, cách thức quản lý Nhà nước, nhưng tất nhiên điều này không dễ"- Viện trưởng CIEM phân tích.

Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ, áp lực từ dư luận cũng là vấn đề lớn. Khi có việc gì không tốt, dư luận hỏi Bộ A, Bộ B đâu. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói: "Chúng ta nền nhìn cách khác. Các bộ ngành không thể quản lý 63 tỉnh, thành phố, mà địa phương phải quản lý. Ví dụ, sự việc xảy ra ở Điện Biên mà Bộ Công Thương vẫn phải quản lý thì người được giao trực tiếp nhiệm vụ sẽ lo lắng. Kéo theo đó họ sẽ đặt ra điều kiện".

Các vị khách mời cho rằng, cần chuyển mạnh tiền kiểm sang hậu kiểm, đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn để huy động sự giám sát của toàn xã hội, thay vì chỉ có Nhà nước quản lý như hiện nay. Có như vậy, môi trường kinh doanh mới thuận lợi, minh bạch.