Bí quyết vượt khó của "cha đẻ" Foody triệu đô

ANTD.VN - Sinh năm 1984, Đặng Hoàng Minh hiện là Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Foody.vn - công ty khởi nghiệp trị giá hàng chục triệu USD về ẩm thực. Từ chàng sinh viên phải hái rau thuê để kiếm sống ở nước ngoài, Đặng Hoàng Minh thành công với phương châm: Kinh nghiệm không được dạy ở trường học nhưng lại có thể thu được rất nhiều ở thực tế…

Foody.vn không chỉ là nơi chia sẻ, giới thiệu địa điểm ăn uống, mà còn được ví như một hệ sinh thái dành cho lĩnh vực ẩm thực ở Việt Nam.  Foody thành lập năm 2012, cung cấp dịch vụ tìm kiếm và đánh giá trực tuyến các quán ăn ở Việt Nam. Hiện nay, Foody đã có hơn 1 triệu người đăng ký và khoảng 10 triệu lượt truy cập hàng tháng từ 5 triệu người dùng (65% lượt truy cập là từ thiết bị di động, theo số liệu từ Foody).

Đồng thời, hơn 100.000 quán ăn đã được đánh giá trên hệ thống Foody, trong đó khoảng 5.000 quán ăn đã hợp tác và trả khoản phí 10 USD/ tháng cho công ty khởi nghiệp này. Ở thị trường Việt Nam, Foody đang tập trung kinh doanh vào 4 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. Cùng với những khoản đầu tư vừa nhận được, tham vọng của Foody trong vòng 5 năm tới là chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.

Tìm hướng đi từ tài năng “ẩn dật”

Con đường khởi nghiệp của Đặng Hoàng Minh không hề dễ dàng. Khi đang theo học chuyên ngành Kỹ sư phần mềm và công nghệ thông tin tại Australia, gia đình anh gặp biến cố, bị phá sản. Minh phải đi hái rau thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Trong khi các bạn học cùng lớp thường dành thời gian để xây dựng website kiếm tiền nhờ những gì học được, Minh không hề có bất kỳ ý niệm gì về lý do mình học lập trình. “Ước mơ của tôi là trở thành một kiến trúc sư. Tôi nộp đơn vào học công nghệ thông tin đơn giản là bởi nó có thể tạo ra sự nghiệp vững chắc sau này. Tôi không nghĩ về việc khởi nghiệp cho đến khi…”, Minh nhớ lại. 

Minh trở lại Việt Nam và bắt đầu tìm kiếm con đường đi của chính mình.  Sau khi nộp đơn xin việc vào một công ty phần mềm, Minh nhận ra mình không có kiến thức tốt trong mảng xây dựng code. Trái lại, Minh dần nhận ra tài năng “ẩn dật” của mình là phân tích kinh doanh và thực sự thích thú với nó. Chính điều kiện tài chính khó khăn đã biến Minh trở thành người kiên nhẫn. Để sống sót trong môi trường hoàn toàn lạ lẫm, Minh không bao giờ nói “không” với những khó khăn.

Năm 2009, Minh quyết định dấn thân vào con đường khởi nghiệp. Nhận thấy 40% doanh số của mô hình Groupon (mua hàng theo nhóm) ở Việt Nam đến từ ẩm thực và chưa có trang web nào về đánh giá quán ăn làm chủ thị trường này, Minh bắt đầu với thị trường ẩm thực vì lý do đơn giản, “làm để mọi người chia sẻ và tìm kiếm dễ dàng hơn”.

Có lẽ chưa có dự án khởi nghiệp nào ở Việt Nam gần như cùng lúc nhận được 2 vòng đầu tư B và C từ nước ngoài như Foody. Chỉ trong tháng 7-2015, Foody liên tục thông báo nhận được đầu tư vòng B từ Công ty Garena có trụ sở ở Singapore và vòng C từ quỹ đầu tư Tiger Global Management của Mỹ. Trong tổng cộng 4 lần đầu tư, kể từ vòng hạt giống (seedfunding) và vòng A cùng của Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (CAV) của Nhật Bản, Foody nhận được khoảng 7 triệu USD.

Tuy nhiên, hai dự án đầu tiên là Orderfood.vn (sau đó đổi tên thành Hungry.vn) và Vnnhahang.com không thành công như anh mong đợi. “Khi mới bắt đầu, tôi khá tham lam, muốn bao phủ  tất cả các lĩnh vực như nhà hàng, giao nhận và chỉ dẫn. Khi nhận ra đó không phải là một chiến lược tốt, tôi quyết định sẽ chỉ tập trung duy nhất vào một lĩnh vực ngách là ăn uống”, Minh cho biết.

 Năm 2012, với tiềm năng của thị trường, sự quyết tâm, đam mê và năng lực hành động, Minh đã thuyết phục được Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (CAV) của Nhật Bản  đầu tư cho dự án Foody hoàn toàn mới của mình. Khi được hỏi vì sao lại chọn lĩnh vực ăn uống khởi nghiệp? Minh cười và nói mình không phải là người sành ăn, nhưng ăn uống với đặc tính là hành vi hoạt động có tần suất cao là yếu tố hấp dẫn anh và lựa chọn đó dựa trên những con số biết nói mà Minh đã tự mình theo dõi, thống kê…

Khác biệt để phát triển

“Trong năm đầu tiên triển khai, dự án phát triển rất chậm, bởi người dùng Việt Nam chưa có thói quen chia sẻ, đánh giá hợp lý, khách quan với các nhà hàng. Vì vậy bản thân Minh cũng phải đến từng nhà hàng, trải nghiệm và tự viết đánh giá để hướng dẫn người dùng cách viết đánh giá cũng như có thái độ đóng góp tích cực. Đồng thời, thời gian đầu, các nhà hàng cũng không quan tâm tới dịch vụ của Foody, nhưng khi hệ thống đã có thông tin và đánh giá về hơn 20.000 địa điểm thì các chủ nhà hàng bắt đầu tự tạo thông tin trên Foody”, Minh chia sẻ.

Nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường Đông Nam Á, hiện nay Foody đã bổ sung thêm nhiều chuyên mục đánh giá và tìm kiếm mới như sức khỏe, làm đẹp, du lịch, mua sắm hay dịch vụ cưới trên trang web của mình. Đồng thời, Foody cũng ra mắt 2 dịch vụ mới là đặt bàn (tablenow) và giao hàng (deliverynow). Đặt trước bàn là dịch vụ hiện nay mới chỉ có Foody triển khai, sử dụng dịch vụ này, người dùng sẽ nhận được khá nhiều ưu đãi khi đặt bàn trước ở các nhà hàng trong hệ thống. Với dịch vụ giao hàng, Foody sẽ phải cạnh tranh với 2 đối thủ khá mạnh ở Việt Nam hiện nay là VietnamMM và  Foodpanda.

“Chúng tôi chỉ thử nghiệm dịch vụ đặt bàn và giao hàng, trong khi  vẫn tập trung vào các dịch vụ cốt lõi của Foody”, Minh cho biết. Theo Minh, mô hình giao thức ăn tận nơi của Foody tạo sự khác biệt bằng cách cho phép người dùng đặt món ở cả những nhà hàng, quán ăn chưa có mặt trên hệ thống. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể đặt món từ nhiều nhà hàng khác nhau trên cùng một đơn hàng. Cách này phù hợp với nhân viên văn phòng muốn dùng bữa chung nhưng có khẩu vị không giống nhau.

Là người nắm tỷ lệ cổ phần lớn nhất trong Foody, Đặng Hoàng Minh cho biết  trong 3 năm tới, Foody sẽ nỗ lực để có 300.000 địa điểm được đánh giá trên hệ thống và có 50.000 nhà hàng trả phí. Cùng với hơn 30 triệu người dùng internet ở Việt Nam, Minh cũng đang cố gắng đạt được 20 triệu người sử dụng dịch vụ của Foody và 10 triệu người sẽ sử dụng ứng dụng Foody trên di động…

Khi được hỏi về bí quyết thành công của mình, nhà sáng lập 34 tuổi chia sẻ: “Đừng chờ đợi cho đến khi bạn được trang bị đầy đủ kiến thức. Kinh nghiệm không được dạy ở trường học nhưng lại có thể thu được rất nhiều ở thực tế. Hãy chia sẻ các ý tưởng! Đừng lo ngại về việc ai đó có thể đánh cắp ý tưởng của bạn, nếu không thể làm tốt hơn họ, bạn cũng sẽ không thể thành công”…