"Ăn xổi ở thì"sẽ khó hội nhập

ANTĐ - Năm 2015 được xem là “năm lịch sử” về hội nhập của Việt Nam với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) kết thúc đàm phán và ký kết. Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xung quanh thực lực của doanh nghiệp Việt Nam trước vận hội lớn của đất nước. 

"Ăn xổi ở thì"sẽ khó hội nhập ảnh 1

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Đã có những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong hội nhập

Điểm nghẽn nông sản

- PV: Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về cơ hội cũng như thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và một số FTA vừa ký kết?

- Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Rõ ràng, việc Việt Nam tham gia hàng loạt FTA đã mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Hai ngành được nói đến nhiều nhất khi các FTA được ký kết là dệt may và nông sản. Dù phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ và các rào cản kỹ thuật, ngành dệt may, da giày vẫn không đáng lo. Doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ đầu tư vào nguồn nguyên liệu và các hiệp định cũng có giải pháp về nguồn cung thiếu hụt tạm thời. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nội địa sẽ tập trung đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ…

Ngành dệt may, da giày đã được sản xuất theo phương thức công nghiệp, theo quy trình, chuẩn công nghệ của thế giới nên ngành này sẽ vượt qua được các rào cản kỹ thuật để thâm nhập thị trường. Dệt may và da giày sẽ thành công nhưng vấn đề là miếng bánh to như vậy, ta chiếm được bao nhiêu? Điều này phụ thuộc vào nỗ lực phát triển công nghiệp hỗ trợ và sự tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị ở các công đoạn có giá trị gia tăng cao, đủ sức giúp ta thoát khỏi kiếp gia công.

Nông sản mới thực sự là lĩnh vực đáng lo khi hội nhập. Trong khi các ngành dệt may, da giày, điện tử… được tổ chức sản xuất bởi các tập đoàn lớn, gắn với chuỗi giá trị của thế giới thì nông sản được sản xuất bởi các hộ gia đình, không thể nào cạnh tranh nổi với các nước cả về chi phí và chất lượng. Trong những năm qua, trừ một số “đại gia” bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khẳng định bước đi đầu tiên, bức tranh chung của nông nghiệp Việt Nam là không có thương hiệu, chất lượng sản phẩm không tăng mà còn giảm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... 

"Ăn xổi ở thì"sẽ khó hội nhập ảnh 2

- Nông nghiệp lại là trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh suy thoái. Vậy tại sao nông sản lại là điểm nghẽn trong hội nhập, thưa ông?

- Không thể phủ nhận những đóng góp của ngành nông nghiệp nhưng dường như chúng ta đã ca ngợi quá nhiều nền sản xuất tiểu nông. 3 sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất hiện nay là gạo, cá (cá ba sa, cá tra) và tôm, đều là niềm tự hào của doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng thực tế, lúa gạo Việt Nam 25 năm qua không có thương hiệu. Năng suất trên diện tích gieo trồng cao, nhưng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp. Gạo Việt Nam không chiếm được thị trường thế giới mà chỉ xuất khẩu được vào  phân khúc giá thấp. Chúng ta không có nhà sản xuất gạo quy mô lớn mà chỉ có nhà buôn gạo. 

Với cá, tôm, trước đây ta xuất khẩu được nhiều sang thị trường Hoa Kỳ, EU và được ưa chuộng. Nhưng hiện nay, do dư lượng kháng sinh và nhiều yếu tố khác mà EU, Hoa Kỳ bắt đầu quay lưng với sản phẩm tôm, cá của Việt Nam. Ta buộc phải đa dạng hóa thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Phi, các nước Trung Cận Đông… tức là các thị trường cấp thấp, giá rẻ. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc đang chiếm tới 40% tổng thị phần nên rất rủi ro, dễ bị khống chế… Nếu nhìn kỹ bức tranh xuất khẩu nông sản Việt Nam, ta sẽ thấy những xu hướng bất lợi như thế. 

Quan trọng là lấy lại niềm tin

- Một số doanh nghiệp, ngân hàng đang đầu tư vào nông nghiệp. Chúng ta có thể kỳ vọng về một nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp hơn, sẵn sàng để hội nhập?

- Trước đây, ông Jonathan Hạnh Nguyễn - “ông trùm” hàng hiệu đã muốn xây dựng thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ Việt, xuất khẩu đi các nước. Những lô hàng đầu tiên rất tốt, chất lượng đảm bảo, giá cả cạnh tranh nhưng các lô hàng sau, chất lượng lại không bảo đảm, không giữ được chữ tín. Cuối cùng, anh Hạnh Nguyễn phải từ bỏ công cuộc xây dựng thương hiệu Việt. Sau thời gian xuất khẩu gạo và thủy sản thuận lợi, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng đổ xô đầu tư các kho chế biến gạo. Tuy nhiên, thị trường không ổn định đã khiến gạo dư thừa. Làm ăn kiểu phong trào, “ăn xổi ở thì” như vậy thì không thể hội nhập được. 

- Vậy ông đánh giá thế nào về hướng đi của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay?

- Bước đầu họ đúng hướng, ít nhất là việc muốn hình thành nền sản xuất lớn, trước hết nhằm vào thị trường nội địa với trên 90 triệu dân Việt Nam trước khi nói đến việc vươn ra thị trường quốc tế. Việc hình thành chuỗi nông sản của Việt Nam quá chậm. Cơ quan quản lý chậm đổi mới tư duy, còn doanh nghiệp chậm thay đổi cách làm ăn. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hiện giờ rất quan trọng để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. 

Đã có người tiên phong 

- Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp Việt Nam vẫn thờ ơ với hội nhập. Ông nghĩ sao về điều này?

- Doanh nghiệp Việt Nam không hề thờ ơ. Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị cho hội nhập từ hàng chục năm trước, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, thị trường thế giới bằng hàng hóa chất lượng cao. Tuy nhiên, đây chưa phải bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp, số doanh nghiệp tiên phong này còn ít.

- Ông có tin doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng vững được trong hội nhập?

- Thực tế cho thấy khả năng xoay xở của doanh nghiệp Việt Nam rất tốt. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng với lãi suất thực 5-6%. Trên thế giới không có nước nào có lãi suất thực cao như thế.  Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn làm ăn có lãi thì đủ thấy sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.

Chấm dứt thời chộp giật

- Cơ chế, chính sách thông thoáng chính là bệ đỡ cho doanh nghiệp Việt vươn lên trong hội nhập?

- Nghị quyết 19 của Chính phủ là một bước đột phá, đặt mục tiêu cải cách bằng những con số cụ thể, soi mình vào thước đo của thế giới để định vị Việt Nam trong nâng cao năng lực cạnh tranh, không còn là các khẩu hiệu  “quyết tâm”, “đẩy mạnh”… Tất cả nhằm tối giản hóa thủ tục và phải học từ các thông lệ tốt nhất của ASEAN. Chúng ta đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đảm bảo công khai, minh bạch, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa công chức và người dân, doanh nghiệp, giảm tham nhũng. Cùng với đó, cải cách tư pháp cần song hành với cải cách hành chính để tạo môi trường an toàn và thuận lợi cho doanh nghiệp.

- Năm 2016 sẽ vô cùng quan trọng với doanh nghiệp trên con đường hội nhập phía trước?

- Doanh nghiệp Việt Nam phải tái cấu trúc mạnh mẽ, cẩn trọng trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, không thể “lạc quan tếu” nhưng cũng đừng bi quan. Cơ hội mở cửa thị trường nhìn chung sẽ chỉ bắt đầu phát huy tác dụng sau khoảng 2-3 năm nữa vì cần có lộ trình ký kết và phê chuẩn. Tuy nhiên, năm 2016, chắc chắn FDI sẽ đổ vào vào Việt Nam để chuẩn bị cho việc thực hiện các FTA. Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn sẽ trở thành thầu phụ, cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp FDI. Điều cần thiết là doanh nghiệp Việt Nam phải có kế hoạch kinh doanh dài hạn, theo tiêu chuẩn quốc tế, không thể kéo dài mãi kiểu chộp giật. Cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam lớn nhưng thực tế đòi hỏi doanh nghiệp phải biết tự nâng cấp, hướng đến chuẩn mực của thế giới. 

- Đây cũng là cách để những doanh nghiệp Việt Nam non trẻ chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu, thưa ông?

- Những doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia chuỗi thì nên thuê đối tác kiểm định có uy tín của nước ngoài, để sản phẩm được đóng dấu kiểm định quốc tế, được nâng cao thực sự về chất và sự tin cậy. Đối tác xuất khẩu của ta cần sự tin cậy đó. Ta ở cạnh Trung Quốc nhưng không nên làm theo kiểu thiếu bài bản của họ, mà nên nhìn sang ASEAN để học hỏi, đổi mới. 

- Xin cảm ơn ông!