ADB tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống 6,3%, lạm phát tăng lên 4,5%

ANTD.VN - Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2017 dự kiến sẽ đạt 6,3%, thấp hơn so với dự báo trong Báo cáo triển vọng châu Á 2017 được Ngân hàng châu Á (ADB) công bố vào tháng 4. Trong khi đó, lạm phát trung bình dự kiến đạt 4,5%, tiếp tục tăng lên 5,5% trong năm 2018, đều cao hơn một điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam 2017 – 2018 vừa được ADB công bố cho thấy GDP 6 tháng đầu năm đã tăng 5,7%, nhỉnh hơn một chút so với 6 tháng đầu năm 2016. Mặc dù nông nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn, song tăng trưởng ngành xây dựng lại giảm nhẹ, và ngành khai khoáng sụt giảm.

Nhờ du lịch tăng trưởng tốt nên khu vực dịch vụ tăng 6.9% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn so với mức tăng trưởng 6,5% cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế tăng 30%, giúp các ngành dịch vụ gắn với du lịch tăng trưởng 8,9%. Dịch vụ ngân hàng và tài chính cũng tăng trưởng cao hơn, đạt 7,7% trong nửa đầu năm 2017, cao hơn so với mức 6,9% cùng kỳ năm trước.

Điều kiện thời tiết tốt là yếu tố tích cực đóng góp cho mức tăng trưởng 2,7% sản lượng nông nghiệp trong sáu tháng đầu năm 2017, đánh dấu chuyển biến có tính bước ngoặt so với sự sụt giảm 0,2% cùng kỳ năm trước.

Theo ADB, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của Việt Nam không đạt được trong năm 2017

Trong khi đó, tăng trưởng sản lượng công nghiệp giảm xuống chỉ còn 5,3% trong 6 tháng đầu năm, so với 7,0% cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác khoáng sản giảm 8,2% do giá than trên thị trường quốc tế giảm, chi phí sản xuất trong nước gia tăng, trữ lượng dầu mỏ và than đều cạn, bên cạnh đó còn do tác động của việc tăng thuế tài nguyên được áp dụng từ tháng 7/2016. Tăng trưởng của ngành xây dựng cũng giảm sút, đạt 8,5% trong sáu tháng đầu năm, so với 9,3% cùng kỳ năm 2016, chủ yếu do cắt giảm chi tiêu khu vực công.

Kim ngạch xuất khẩu ròng hàng hoá và dịch vụ tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Kết quả xuất khẩu khá mạnh, do cầu tốt từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là châu Âu và Mỹ. Xuất khẩu hàng hoá tăng 19% trong sáu tháng đầu năm nhờ mức tăng ấn tượng trong xuất khẩu hàng hoá chế tác, như điện tử, điện thoại di động, dệt may và giày dép.

Tuy nhiên, nhập khẩu tăng còn nhanh hơn xuất khẩu, làm cho con số xuất khẩu ròng bị sụt giảm trong nửa đầu năm. Nhập khẩu tăng mạnh để cung cấp đầu vào cho việc mở rộng các hoạt động sản xuất hàng hoá trong nước cần nhiều đầu vào nhập khẩu, như điện tử, viễn thông và hàng gia dụng.

Lạm phát trung bình đã tăng trong 8 tháng đầu năm 2017, xong vẫn tương đối thấp, ở mức 3,8%, mặc dù lạm phát cơ bản đã tăng mạnh đến 6,9% so với cùng kỳ năm trước do các loại giá cả nhà nước quy định và phí dịch vụ y tế và giáo dục đã tăng.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điều hành cũng được giảm nhẹ nhờ giá lương thực, năng lượng và giao thông vận tải đều bình ổn. Những tháng gần đây, tốc độ lạm phát tăng chậm. Chỉ số giá tiêu dùng công bố vào tháng 8 chỉ tăng 3,4% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 5,2% hồi đầu năm 2017.

Dự báo triển vọng những tháng cuối năm, ADB nhận định tăng trưởng GDP có khả năng vẫn duy trì được khá tốt trong 6 tháng cuối năm 2017, mặc dù hoạt động của ngành khai thác khoáng sản tiếp tục giảm sút sẽ ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng. Báo cáo Cập nhật này giảm dự báo kinh tế của Việt Nam xuống còn 6,3% cho năm 2017, và 6,5% trong năm 2018, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đây trong Báo cáo ADO 2017.

Lạm phát dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng đã xuất hiện trong những tháng gần đây, được tiếp nhiệt bởi động thái giảm lãi suất, cầu trong nước mạnh và tăng trưởng GDP tốt. Kế hoạch tăng giá và phí dịch vụ giáo dục và y tế sẽ gia tăng áp lực lạm phát, bên cạnh thông báo mới đây về việc tăng lương tối thiểu 6,5% sẽ có hiệu lực vào năm 2018, sau khi đã tăng 7,0% trong năm 2017. Trong cả năm 2017, lạm phát trung bình dự kiến đạt 4,5%, tiếp tục tăng lên 5,5% trong năm 2018, đều cao hơn một điểm phần trăm so với dự báo chúng tôi đưa ra vào tháng 4.