Vaccine Quinvaxem - nạn nhân của những lời đồn thổi?

ANTĐ - Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine Quinvaxem trong chương chình tiêm chủng mở rộng khiến nhiều bậc phụ huynh  “phát sốt”. Mặc dù các cơ quan y tế và cả tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng khẳng định Quinvaxem là an toàn, những trường hợp tử vong chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý khác nhưng vẫn không trấn an được người dân. Hậu quả là dù Quinvaxem được tiêm miễn phí nhưng không ít cha mẹ quyết định không tiêm mà chen chúc, chấp nhận mức giá đắt đỏ để được tiêm vaccine dịch vụ. Thậm chí những gia đình có điều kiện còn bỏ hàng chục triệu đồng để được ra nước ngoài tiêm vaccine. 
Vaccine Quinvaxem -  nạn nhân của những lời đồn thổi? ảnh 1

Có rủi ro hơn các vaccine dịch vụ?

Vaccine Quinvaxem được đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định về chất lượng vào năm 2006. Hiện trên thế giới có 94 quốc gia đang lưu hành loại này, riêng khu vực Đông Nam Á có các nước Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào và Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã sử dụng khoảng 25 triệu liều. Trong quá trình sử dụng đã ghi nhận một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng đều được tiến hành điều tra kịp thời.

Tỷ lệ tai biến nặng liên quan đến vaccine bạch hầu - ho gà (toàn tế bào) - uốn ván đến nay là 4,5/1 triệu liều trong khi tỷ lệ theo thống kê của WHO là 1-20/1 triệu liều. Các trường hợp tử vong chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý khác. Bộ Y tế Việt Nam cũng khẳng định, các lô vaccine trước khi được đưa vào lưu hành đều được Bộ kiểm nghiệm. 

Để hiểu rõ thực hư về tác dụng cũng như mức độ rủi ro của Quinvaxem, chúng ta hãy bình tâm nhìn nhận dưới góc độ y khoa. Theo đó, vaccine Quinvaxem và các vaccine dịch vụ (5 trong 1, 6 trong 1) đang sử dụng tại Việt Nam, khác nhau cơ bản là thành phần vaccine ho gà, ở Quinvaxem là toàn tế bào (bất hoạt) còn vaccine dịch vụ là vô bào. Vì có chứa vi khuẩn ho gà toàn tế bào cho nên Quinvaxem sẽ có nguy cơ phản ứng bất lợi mạnh hơn nhưng tác dụng tạo miễn dịch lại tốt hơn vaccine vô bào.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia y tế thuộc Cộng đồng bác sĩ nội trú Việt Nam đều cho rằng tới nay các bằng chứng khoa học cho thấy tỷ lệ phản ứng bất lợi cũng như tử vong liên quan tới Quinvaxem không cao hơn so với các loại vaccine khác và vẫn ở trong giới hạn có thể chấp nhận được. Kỹ thuật viên Tô Xuân Vinh, công tác tại Biomedical Science Institute (Viện Khoa học y sinh Singapore) đã đưa ra những con số đánh giá tổng quát tỷ lệ tử vong, gây biến chứng của 3 loại vaccine đang được phổ biến tiêm phòng tại Việt Nam là Quinvaxem, Infanrix Hexa và Pentaxim.

Theo đó trong dữ liệu an toàn về vaccine của Infanrix Hexa (vaccine 6 trong 1) cho thấy, sau 12 năm vaccine được dùng ở Italia trong 15 triệu mũi Infanrix Hexa đã được tiêm thì có 63 ca tử vong đột ngột trong vòng 20 ngày kể từ khi tiêm. Trong khi đó, con số của Bộ Y tế Việt Nam đối với Quinvaxem là: vào thời điểm năm 2013, khi Quinvaxem bị tạm dừng, đã có 15 triệu mũi tiêm thì có 47 ca tử vong. Từ năm 2013 đến 2015, mỗi năm Việt Nam dùng khoảng 4,5 triệu mũi và từ lúc dùng Quinvaxem đến nay, có khoảng 63 ca tử vong trên tổng số gần 25 triệu mũi tiêm.

Một loại vaccine 5 trong 1 khác cũng được sử dụng là Pentaxim của Sanofi Pasteur. Vaccine này không có báo cáo về số lượng tử vong trên số mũi tiêm nhưng nếu so sánh về mức độ phản ứng phụ trên các thử nghiệm quy mô nhỏ được công bố thì Quinvaxem không hề gây tác dụng phụ đặc biệt nhiều so với Pentaxim. 

Nạn nhân của những lời đồn 

Dù những con số trên vẫn còn gây nhiều tranh cãi, thậm chí có người đặt nghi ngờ về tính chính xác, khách quan của những con số thống kê tại Việt Nam nhưng có một thực tế là trên thế giới cũng đã có rất nhiều xôn xao về vấn đề trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine. Trong đó ngay cả các loại vaccine mà theo quan niệm của người Việt là “xịn” như Infanrix Hexa cũng từng là “nạn nhân” của những lời đồn thổi tương tự như Quinvaxem. Vaccine này còn không được sử dụng tại Mỹ hoặc không được niêm yết trên lịch tiêm chủng trẻ em tại bất cứ tỉnh hoặc lãnh thổ nào của Canada vì vaccine này có gây biến chứng. 

Ưu thế của vaccine Quinvaxem là giá thành rất rẻ so với các loại vaccine cùng chủng loại. Một trong những nguyên nhân khiến giá vaccine Quinvaxem rẻ hơn nhiều so với các loại vaccine vô bào là bởi dòng vaccine này đã hết hạn phải trả tiền bản quyền sở hữu trí tuệ, khoản vốn dĩ chiếm khá lớn trong giá thành. Công nghệ được chuyển giao miễn phí cho WHO sản xuất đại trà và phù hợp nhất đối với thu nhập của cộng đồng dân cư tại các nước đang phát triển nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng và củng cố miễn dịch cộng đồng.

Cần lưu ý là miễn dịch cộng đồng cực kỳ quan trọng trong việc phòng chống các bệnh tật. Khi một phần quan trọng của cộng đồng được tiêm chủng chống lại một bệnh truyền nhiễm thì hầu hết các thành viên của cộng đồng sẽ gián tiếp được bảo vệ chống lại bệnh đó bởi vì sẽ có rất ít cơ hội cho dịch bệnh bùng phát. Thậm chí ngay cả với những người không đủ điều kiện hoặc chống chỉ định tiêm phòng với một số loại vaccine nhất định như ở trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, hoặc những người suy giảm miễn dịch... thì cũng đều gián tiếp được bảo vệ bởi vì sự lan truyền bệnh dễ lây đã bị chặn đứng. Để có được miễn dịch cộng đồng thì với hầu hết các loại vaccine phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng cho thành viên trong cộng đồng ít nhất là > 80%.

Đối với Việt Nam, Quinvaxem đóng vai trò quan trọng trong việc tạo miễn dịch cộng đồng từ khi được đưa vào chương trình TCMR. Nhiều ý kiến cho rằng cũng chính bởi lý do này mà nó trở thành một đối thủ nặng ký cho các dòng vaccine dịch vụ đắt tiền khác. Bởi thời điểm Quinvaxem mới được đưa vào chương trình TCMR khiến lượng người tiêm vaccine dịch vụ giảm xuống và cũng từ đây xuất hiện rất nhiều thông tin bất lợi về Quinvaxem. Kết quả mà ai cũng nhìn thấy, đó là các loại vaccine dịch vụ lại trở nên khan hiếm vì nhu cầu tăng,  không những thế còn rơi vào tình trạng giá cao vẫn không có mà tiêm. Các nhà nhập khẩu vaccine đã có kế hoạch tăng số liều vaccine nhập khẩu trong năm 2016 thêm hàng chục nghìn liều so với năm 2015.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổng kết 3 nguyên nhân chính gây ra các sự cố về tiêm vaccine: Thứ nhất là do quá trình bảo quản, vận chuyển vaccine không bảo đảm an toàn. Thứ hai là do quá trình vô trùng trong khi tiêm. Và thứ ba là do sốc phản vệ trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý nền của người được tiêm gây tử vong sau tiêm vaccine. Nguyên nhân thứ ba không chỉ xảy ra ở Quinvaxem mà ở bất kỳ loại vaccine nào. Thực tế ở Việt Nam thì đa phần các gia đình có trẻ tử vong đều không yêu cầu mổ tử thi, vì vậy khó mà xác định được nguyên nhân chính xác gây tử vong. Và sự lo lắng của người dân cùng với sự nhiễu loạn thông tin đã khiến tất cả những ca tử vong này đều bị quy về Quinvaxem.

Điều gì xảy ra nếu chuyển sang vaccine vô bào?

PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đưa ra dẫn chứng, tại Mỹ, trước khi có vaccine, bệnh ho gà hàng năm gây bệnh cho hơn 200.000 người và làm tử vong 10.000 người. Sau khi đưa vaccine ho gà toàn tế bào vào sử dụng, trong năm 1976, tỉ lệ bệnh ho gà giảm đến 95%. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang dùng ho gà vô bào vào năm 1990, dịch ho gà bắt đầu bùng phát vào các năm sau đó, cụ thể dịch ho gà có xu hướng xảy ra theo chu kỳ và nặng nhất vào những năm 2005, 2010 và 2014.

Dịch có chu kỳ khoảng 5 năm và nguyên nhân do sự giảm miễn dịch bảo vệ của ho gà vô bào và sự tích lũy các ca này theo từng năm, dịch năm 2014 tại Mỹ được cho là lớn nhất trong vòng 50 năm qua. Ngay cả khi đã bổ sung lịch tiêm nhắc lại nhiều mũi (ngoài 3 liều cơ bản, tiêm nhắc lại cho trẻ em 4-6 tuổi, 11-12 tuổi và cả phụ nữ mang thai ở tuần thứ 27 đến 36) nhưng hiện tại, hàng năm tại Mỹ vẫn ghi nhận từ 10.000-40.000 ca mắc và 10-20 ca tử vong vì bệnh này.

Một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2015 về tỉ lệ bệnh ho gà tại 19 nước (4 nước thu nhập trung bình khá và 15 nước thu nhập cao) cho thấy, dù không có sự bùng phát dịch ho gà trên toàn cầu nhưng tại 5/19 nước (Australia, Chilê, Bồ Đào Nha, Anh, Mỹ), dịch ho gà thật sự đã gia tăng. Trong số 5 nước này, có 4 nước trước đó đã chuyển từ ho gà toàn tế bào sang ho gà vô bào (chỉ có Chilê dùng ho gà toàn tế bào và dịch ho gà xảy ra tại Chilê được cho là do tỉ lệ bao phủ vaccine thấp).

Riêng tại 4 nước sử dụng vaccine vô bào, dù tỷ lệ tiêm chủng lớn nhưng các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính do giảm hiệu quả bảo vệ khi tiêm vaccine ho gà vô bào dẫn đến tích lũy số ca nhạy cảm và sau đó bùng dịch theo chu kỳ. Sự bùng phát dịch ho gà chưa thấy xuất hiện tại các nước dùng ho gà toàn tế bào và có tỉ lệ tiêm chủng cao.

Vì vậy, theo PGS Phan Trọng Lân, vấn đề chuyển đổi từ ho gà toàn tế bào sang vô bào cần cân nhắc đến khả năng kiểm soát dịch xảy ra, đảm bảo nguồn cung cấp vaccine cho các liều tiêm nhắc cũng như chiến lược tiêm cho các bà mẹ mang thai nhằm bảo vệ cho các trẻ ngay sau khi sinh, hạn chế tử vong trong trường hợp dịch ho gà xảy ra do việc dùng vaccine ho gà vô bào.

Tại Việt Nam, chúng ta đã kiểm soát tốt bệnh ho gà hơn 30 năm qua bằng các loại vaccine ho gà toàn tế bào. Nếu chuyển sang vaccine có thành phần ho gà vô bào cần lường trước khả năng bùng phát dịch, nguồn lực để tiêm chủng, cũng như đảm bảo cộng đồng trẻ em 4-6 tuổi, 11-12 tuổi và cả phụ nữ mang thai chấp nhận tiêm.