Truyền nước - con dao hai lưỡi

ANTĐ - Hỏi: Tôi là nữ, năm nay 40 tuổi. Tôi hay mệt mỏi, đau đầu nhiều người khuyên tôi nên đi truyền nước cho đỡ mệt, nhưng tôi thấy nhiều người đã bị sốc vì truyền nước. Xin hỏi bác sĩ tôi có nên đi truyền nước thường xuyên không?

Trả lời: Trong cơ thể của mỗi con người, đều có các chỉ số trung bình trong máu, về đường, muối, các chất điện giải... Nếu một trong các chỉ số trung bình trên còn thấp hơn mức độ chỉ số bình thường cho phép thì lúc đó chúng ta mới bù đắp, nhưng làm sao biết được bù đắp, và bù đắp bao nhiêu thì đủ? Do đó chúng ta cần phải kiểm tra bằng các xét nghiệm máu để biết được rằng chúng ta có cần thiết truyền nước biển hay không.

Tuy nhiên có nhiều người khi thấy trong người không được khỏe hay mệt mỏi, ăn uống kém, lại đi truyền nước. Truyền nước là một liều thuốc rất hữu ích nếu như ta dùng đúng bệnh, đúng lúc, và đúng liều, còn nếu ta dùng dịch truyền một cách bừa bãi, vô thưởng vô phạt thì nguy hiểm vô cùng và có  thể ảnh hưởng đến xấu đến sức khỏe.

Khi truyền dịch với bất cứ dịch truyền nào, đều có thể có các tai biến rất trầm trọng xảy ra. Đó là nguy cơ nhiễm trùng, xuất phát từ nơi đưa thuốc vào cơ thể. Các bệnh nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C… đều có thể lây nhiễm qua con đường tiêm chích, đặc biệt qua truyền dịch, nếu việc truyền dịch bừa bãi không đúng quy cách, không được vô trùng.

Ngoài ra, do truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải, các chất dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù ở tim, thận… Đặc biệt, dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không “chịu” như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc dịch truyền rất nguy hiểm. Tự ý truyền dịch mà không có ý kiến của bác sỹ sẽ có nguy cơ xảy ra tai biến rất cao như phù chỗ tiêm, đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch, dị ứng gây khó thở, đau ngực, sốc phản vệ. 

Trên thực tế, không ít trường hợp bị sốc khiến cơ thể lạnh toát hoặc tím tái ngay sau khi truyền được vài phút. Nếu không kịp thời xử lý diễn biến sẽ rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy các bác sỹ khuyến cáo, việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ, để xác định cơ thể bệnh nhân đang trong tình trạng như thế nào và cần những loại dịch truyền gì.

Ngoài ra, nơi truyền dịch phải có đủ các điều kiện xử lý chống sốc để phòng sự cố. Người truyền dịch cũng phải có trình độ chuyên môn. Đặc biệt, cần tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng, dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối… Đối với trường hợp của bạn, nên đi khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân gây mệt mỏi, đau đầu và có sự điều trị phù hợp. Không nên quá lạm dụng truyền dịch.

BS Nguyễn Vân Anh, (Phòng khám đa khoa Hải Việt)