Phòng dịch bệnh mùa tựu trường

ANTĐ - Mùa khai trường cũng là thời điểm hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa… bước vào đỉnh dịch. 

Phòng dịch bệnh mùa tựu trường ảnh 1Chủ động phòng bệnh cho trẻ trong mùa tựu trường (ảnh minh họa)

Mùa khai trường cũng là thời điểm hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa… bước vào đỉnh dịch. Ngành y tế và ngành giáo dục đồng cảnh báo, nếu không chủ động phòng chống ngay từ đầu, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bùng phát trong trường học là rất lớn.

Ngày 27-8, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên – Bộ GD&ĐT cho biết, hiện chưa ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) nào trong trường học, các dịch bệnh khác cũng được kiểm soát tốt. Tuy vậy, với số lượng trên 40.000 trường học phổ thông trên cả nước và trên 20 triệu học sinh thì môi trường học đường luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây truyền bệnh dịch, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp, tay chân miệng (TCM), SXH, cúm mùa… 

Phân tích về các nguy cơ này, ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, mùa học sinh tựu trường trùng với thời điểm giao mùa từ hè sang thu, đây là thời điểm thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh, muỗi truyền bệnh phát triển. Trong đó, đỉnh dịch SXH thường rơi vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, hiện nhiều địa phương có số mắc tăng cao so với cùng kỳ, nhất là các tỉnh Đông Nam bộ và Hà Nội. Dịch TCM cũng có chu kỳ tăng mạnh trong những tháng cuối năm, trùng với thời điểm học sinh tựu trường. Ông Nguyễn Đức Khoa nhấn mạnh, học sinh, nhất là trẻ mẫu giáo (dưới 5 tuổi) là nhóm có số lượng mắc TCM cao nhất. 

TS Trương Đình Bắc cho biết thêm, vào thời điểm mùa tựu trường, số lượng trẻ mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa cũng thường gia tăng. Do vậy, ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tổ chức phổ biến, hướng dẫn kiến thức phòng bệnh, cách nhận biết triệu chứng một số bệnh thường gặp ở trẻ để từ đó tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh chủ động phòng bệnh cho trẻ.

Cụ thể, với bệnh đường hô hấp, cần hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng bệnh quan trọng gồm: ăn mặc đủ ấm trong thời tiết chuyển mùa, thường xuyên rửa tay xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống đủ chất, che miệng khi hắt hơi, chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine. Với bệnh tiêu hóa, biện pháp phòng bệnh quan trọng là giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm, không ăn quà vặt trước cổng trường…

Cũng theo ông Trương Đình Bắc, nhiều loại bệnh học đường đang có xu hướng gia tăng mạnh. Tỷ lệ mắc tật khúc xạ trong học sinh ở nước ta đã tăng lên tới 20-30%. Tại các đô thị lớn, nhiều lớp học có đến 50% học sinh cận thị. Tương tự, thừa cân béo phì cũng đang tăng mạnh, chiếm tỷ lệ 15-40%. Đặc biệt, bệnh rối nhiễm tâm trí ở học sinh đang rất báo động với tỷ lệ từ 7-20% học sinh có dấu hiệu rối nhiễm tâm trí... Đây là vấn đề đòi hỏi ngành giáo dục và y tế phải có giải pháp ngăn ngừa hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe cho học sinh.