"Mách nước" giải rượu cho cánh mày râu mùa lễ hội

ANTĐ - Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày kết thúc cũng là thời điểm người dân trên mọi miền Tổ quốc bước vào các kỳ lễ hội triền miên. Và đương nhiên, trong các lễ hội không thể thiếu những mâm cỗ và cả những chai rượu cùng những tác hại khôn lường mà rượu mang lại. Nhân dịp này, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn – Trưởng khoa điều trị các chứng rối loạn tâm thần do lạm dụng chất bệnh viện Tâm thần Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên về rượu và "mách nước" giải rượu cho cánh mày râu.

- PV: Xin bác sĩ cho biết, say rượu ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mỗi người?

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn: Say rượu là quá trình ngộ độc ethylene cấp và biểu hiện đầu tiên là rối loạn tâm thần, rối loạn chức năng của cơ quan thần kinh trung ương; tác động trên toàn bộ cơ thể, đặc biệt là gan và tim mạch.

Say rượu hay ngộ độc rượu cấp đều ảnh hưởng đến sức khỏe tùy theo thể trạng mỗi người, tuy nhiên, trường hợp ngộ độc nặng có thể dẫn tới tử vong.

"Mách nước" giải rượu cho cánh mày râu mùa lễ hội ảnh 1

- Nguyên nhân dẫn đến say rượu là gì, thưa bác sĩ?

Say rượu xảy ra khi nồng độ cồn trong cơ thể đạt trên 80mg/100ml máu. Có 3 nguyên nhân dẫn đến say rượu. Thứ nhất là do lượng rượu uống vào trong cơ thể quá nhiều. Thứ hai là tốc độ hấp thụ rượu từ đường tiêu hóa vào máu. Thứ ba là phụ thuộc vào quá trình phân hủy rượu, tức là quá trình chuyển hóa rượu trong cơ thể.

Và việc chuyển hóa rượu trong cơ thể phụ thuộc vào men ADH, một loại men giúp phân hủy rượu thành aldehyd sau đó chuyển hóa thành acid acetic rồi 1 vài bước nữa để thành CO2 và nước. Men này thuộc về tố bẩm di truyền, vì vậy có những người tửu lượng rất cao, do cơ thể chứa nhiều ADH nên ít bị tác động có hại của rượu nhưng cũng có những người chỉ uống lưng chén cũng say vì men ADH của họ kém. 

- Vậy theo bác sĩ, chúng ta phải làm cách nào để hạn chế việc say rượu? 

Tốc độ hấp thụ rượu phụ thuộc vào thực phẩm chúng ta đưa vào cơ thể vào thời điểm trước, trong và sau khi uống rượu. Vì vậy, việc ăn nhẹ trước khi uống rượu sẽ giúp nồng độ rượu trong cơ thể được pha loãng, tốc độ hấp thu rượu giảm đi và làm chậm quá trình say rượu. 

Bên cạnh đó, cơ thể hấp thụ rượu nhiều hay ít còn phụ thuộc vào niêm mạc đường tiêu hóa, bởi vậy, trước khi uống rượu, chúng ta cần bổ sung một số loại thực phẩm giúp hạn chế nhiều nhất quá trình hấp thụ rượu như một đĩa salad có trộn dầu oliu hay lòng trắng trứng gà.  Ngoài ra, chúng ta có thể ăn súp, rau củ quả hoặc uống một chút mật ong pha nước ấm trước khi uống rượu để làm giảm cảm giác say.

Một số thực phẩm tuyệt đối tránh khi uống rượu, đó là đồ uống có ga, bởi loại đồ uống này làm tăng khả năng hấp thu rượu vào máu nhanh hơn và khiến chúng ta nhanh chóng rơi vào trạng thái say rượu.

"Mách nước" giải rượu cho cánh mày râu mùa lễ hội ảnh 2

Theo thống kê của Bộ Y tế, sau Tết, cả nước ghi nhận gần 2.000 trường hợp nhập viện vì ngộ độc rượu (Ảnh minh họa)

- Và thực phẩm cần bổ sung sau khi uống rượu là gì?

Cứ 4 đơn vị rượu uống chuẩn, tương đương với 4 chén, loại từ 35-40 độ, cơ thể chúng ta sẽ phải thải từ 400-600ml nước vì vậy sau khi uống rượu, cơ thể thường thiếu nước rất nhiều. Do đó, cần phải uống nhiều nước để bổ sung lượng nước đã mất, uống nước đỗ xanh hoặc ăn các loại thực phẩm chế biến từ đỗ xanh, ăn nhiều rau quả, đặc biệt là củ cải trắng để làm tăng quá trình thải độc rượu và uống B1 ở mức độ từ 300-500mg.

- Nhiều người sau khi uống rượu thường bị đau đầu và họ tự mua thuốc để điều trị, điều này có đúng không thưa bác sĩ?

Cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân đau đầu do uống rượu. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc đau đầu sau uống rượu: Thứ nhất là do mất nước dẫn đến mất cân bằng điện giải dẫn đến đau đầu. Thứ 2 là do rượu kích thích hệ thống gây viêm tại tổ chức thần kinh hệ làm giãn mao mạch, vi mao mạch trong não. Nguyên nhân thứ 3 là do aldehyd chứa trong rượu. Nguyên nhân thứ phát là tăng huyết áp.

Khi bị đau đầu, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, không nên tự ý điều trị và lạm dụng chất giảm đau. Bởi một số thuốc dẫn chất giảm đau như paracetamol sẽ gây độc cho gan và hại các niêm mạc tiêu hóa, còn aspirin làm hại các niêm mạc tiêu hóa và làm tăng quá trình chảy máu.

Biện pháp là uống nhiều nước, dùng b1 liều cao để tăng quá trình phân hủy rượu, giảm đau đầu, hoặc sử dụng 1 ly cafe nhỏ hoặc trà bởi trong loại chất này có chức caffeine có tác dụng co mạch, làm giảm đau đầu.

Trường hợp bệnh nhân ngủ sâu, cấu véo không biết, nên đưa đến các cơ sở chuyên khoa bởi khi đó, cơ thể người bệnh say rượu ở mức độ 3, mức độ 4 nếu để quá, bệnh nhân có thể bị trụy tim mạch dẫn đến tử vong.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!